Chúng tôi gặp chị Nguyễn Tú Anh, chủ tịch Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas) vào một ngày cận kề 8/3 – Ngày cả thế giới tôn vinh những người phụ nữ. Tại phòng làm việc của chị trên tầng 18 của tòa nhà văn phòng đẹp nhất nhì phố Lý Thường Kiệt ở Hà Nội, dù đã hơn 19h tối và vừa trải qua rất nhiều cuộc họp trong ngày, nhưng khuôn mặt và thể trạng chị vẫn luôn rạng rỡ, căng tràn sức sống. Nếu nhìn chị để đoán tuổi, không ai nghĩ chị đã bước qua tuổi 50 và đã lên chức… bà nội.
Là một người gắn với cái tên Vietcombank gần 20 năm và Napas (trước đây là Smartlink) được hơn 10 năm nhưng chị Tú Anh hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Nói với Trí thức trẻ, chị tự nhận mình còn nhỏ bé, chưa có gì xuất sắc nổi trội, chỉ muốn lặng thầm cống hiến hết mình cho sự nghiệp thanh toán thẻ của Việt Nam.
Được biết chị từng có một thời gian dài làm ở Trung tâm thẻ của Vietcombank với vị trí Giám đốc. Ở một ngân hàng lớn nhất nhì Việt Nam và có thương hiệu vững mạnh như vậy nhưng lại chuyển sang Smartlink – một công ty cổ phần chuyển mạch thẻ chưa rõ tương lai, lúc ấy chị có suy nghĩ gì?
Đây cũng là vấn đề mà nhiều người thắc mắc với tôi, nhất là ở cái thời kỳ "xin, cho" như thế, vị thế hoán đổi hoàn toàn. Sang Smartlink là "xin" đi làm dịch vụ cho các đơn vị.
Khi sang Smartlink là năm 2007, nhưng trước đó giai đoạn 2003 còn làm Giám đốc trung tâm thẻ của Vietcombank – khi ngân hàng hỗ trợ cho hơn 10 ngân hàng thương mại cổ phần triển khai dịch vụ chấp nhận và thanh toán thẻ trên cơ sở hạ tầng hệ thống thẻ của Vietcombank, cung ứng cho các ngân hàng, họ không phải đầu tư.
Tại sao Vietcombank lại hỗ trợ cho các ngân hàng cổ phần vào thời điểm đó? Ấy là xuất phát từ quan điểm của Ban lãnh đạo với mong muốn liên kết các ngân hàng trong nước để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thế mạnh, tiết kiệm chi phí, tăng cường tiện ích và mở rộng tập khách hàng sử dụng thẻ trên thị trường. Tôi tâm đắc với câu nói: "Muốn đi nhanh thi đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau", câu nói này rất đúng với quan điểm của Vietcombank tại thời điểm đó, và tôi khâm phục họ khi đã hi sinh lợi ích của riêng mình, hi sinh thị phần của mình vì cái chung phát triển để tất cả người dùng được lợi.
Rời khỏi Vietcombank với tôi là một quyết định đầy thách thức vì khi đó nền tảng hệ thống và dịch vụ thẻ của Vietcombank đã cơ bản được xây dựng xong, với thị phần thẻ rất lớn, hơn 50%, thậm chí 70-80%. Việc điều động sang vị trí Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ thẻ Smartlink là một ngã rẽ mới, chưa định rõ tương lai và nhiều thách thức nhưng tôi cũng muốn được trải nghiệm vượt qua giới hạn và thách thức của bản thân, không chỉ giới hạn trong công tác phát triển sản phẩm dịch vụ thẻ của một ngân hàng mà còn được sáng tạo, có cơ hội làm những dịch vụ thanh toán điện tử mới trên thị trường, tham gia vào việc kiến thiết hạ tầng thanh toán bán lẻ của quốc gia. Và điều thú vị nhất lúc bấy giờ là được tham gia "gỡ mạng nhện" liên thông mạng lưới ATM và POS, vì khi đó các ngân hàng muốn thẻ của mình sử dụng ATM và POS của ngân hàng khác là phải thông qua một mạng lưới kết nối chằng chịt.
Trong thời điểm làm ở Smartlink đâu là khó khăn nhất? Khi chuyển sang Napas câu chuyện mới là gì thưa chị?
Tôi nghĩ đến thời gian khởi đầu vô cùng khó khăn của Smartlink, đó là thời gian đầy thử thách nhưng cũng mở ra rất nhiều điều mới mẻ. Tôi khi ấy giống như cô gái đang được bao bọc bởi cha mẹ nhưng tư tưởng độc lập, muốn xách va li ra ở riêng với hoài bão và muốn được làm nhiều hơn cho thị trường thẻ Việt Nam. Tự mình phải xoay sở, liệu cơm gắp mắm để xây dựng bộ máy công ty vận hành ổn định, xây dựng quy trình nghiệp vụ trơn tru, hơn thế đó là việc quản lý tài chính của một doanh nghiệp do mình là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người lao động.
Thời điểm khởi đầu như mọi doanh nghiệp startup bây giờ, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng tôi có được sự may mắn và thuận lợi khi được các anh chị trong Hội đồng quản trị Smartlink – là các lãnh đạo của các ngân hàng, hết sức hỗ trợ, tin tưởng, hướng dẫn, chỉ bảo cho tôi những kỹ năng quản trị hiệu quả. Tôi cũng đã có được một đội ngũ cộng sự đáng tin cậy ngay từ vạch xuất phát.
Tuy nhiên, điều khó khăn nhất chính là việc xác định một con đường phát triển lâu dài và bền vững của một doanh nghiệp, vai trò và vị thế của doanh nghiệp cũng như những mảng dịch vụ trọng yếu mà doanh nghiệp sẽ tập trung cung cấp nhằm hướng tới mục tiêu phổ cập thanh toán điện tử trong dân cư, mọi người dân Việt Nam đều có quyền được sử dụng những dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại.
Khi chuyển sang Napas, câu chuyện mới với tôi chính là việc xác định một tầm nhìn mới, một sứ mệnh mới và một chiến lược mới đối với Napas trong vai trò và vị thế của một công ty thanh toán với tầm vóc quốc gia.
Những mong ước, mục tiêu mà chị đặt ra bao lâu sau thì hoàn thành?
10 năm, từ 2007 đến 2016. Sau khi sáp nhập Smartlink với Banknet và lập nên Napas, tôi thấy mục tiêu của mình đã hoàn thành, bởi lúc đó Napas đã có hệ thống hợp nhất toàn bộ ATM và POS của toàn bộ thị trường. Trên nền tảng ATM và POS liên thông, Napas có thể cung ứng các dịch vụ khác, một trong số đó là dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng 24/7 – dịch vụ đa kênh, đa phương tiện thanh toán, bất cứ giây phút nào mọi người đều có thể thực hiện được ở Việt Nam – điều mà nhiều nước trong khu vực còn đang phải nỗ lực phấn đấu nâng cấp hạ tầng để đạt được.
10 năm ấy, có khi nào chị thấy công việc quá khó khăn và muốn buông bỏ hay không?
Doanh nghiệp thì chắc chắn có nhiều khó khăn, thị trường cũng nhiều thách thức, nhưng trong chừng mực nào đó thì tôi có nguyên tắc của mình, đó là kiên cường để đạt mục tiêu.
Tôi có sự thuận lợi là ở bất cứ vị trí nào, từ Vietcombank, Smartlink, Napas thì đều được làm việc với những người giỏi nhất trong ngành ngân hàng, giỏi nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tôi cũng được NHNN, HĐQT tạo điều kiện tốt để đạt mục tiêu của mình. Ngoài ra, tôi có đội ngũ đồng nghiệp đồng hành rất tuyệt vời – họ là người trẻ nhưng có cùng chí hướng với tôi.
Làm lãnh đạọ một công ty cổ phần nhưng lại mang trách nhiệm kiểu như doanh nghiệp Nhà nước với tên gọi "chuyển mạch quốc gia", chị có gặp khó khăn khác trong điều hành?
Bên cạnh nhiệm vụ hoàn thành các mục tiêu hoạt động như mọi công ty cổ phần khác thì Napas có sứ mệnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo chỉ đạo của NHNN, tư tưởng xuyên suốt của tôi trong vai trò người quản lý điều hành đó là luôn nhận thức sâu sắc rằng phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên lợi ích công ty, lợi ích người lao động, đồng thời phải thuyết phục công ty và người lao động để làm được điều đó.
Công ty lại hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, việc bắt kịp xu hướng, ứng dụng công nghệ mới để cung ứng sản phẩm dịch vụ thì phải cố gắng để làm được. Tôi không phải chuyên gia công nghệ thông tin nhưng tôi phải hiểu được yêu cầu của người dùng, xu hướng của xã hội để công ty đáp ứng được.
Từng có gần 20 năm ở Vietcombank và hơn chục năm ở một công ty mà 49% cổ phần là của Nhà nước, đến bây giờ chị thấy mình vẫn là người Nhà nước hay người cổ phần?
Tôi nghĩ mình đa phần là người Nhà nước, bởi đầu tiên tôi là người đại diện phần vốn của Ngân hàng Nhà nước tại Napas, rồi hơn 20 năm tôi được đào tạo, trưởng thành tại Vietcombank.
Nhưng nếu muốn là người nhà nước thì tôi đã ở lại Vietcombank. Về Napas, tuy tự thấy nền tảng mình vẫn cơ bản là người Nhà nước nhưng tôi luôn mong muốn Napas được vận hành theo cơ chế hoạt động của một công ty cổ phần để có được những chính sách giữ và thu hút được nhân sự tốt, hài hòa trách nhiệm và quyền lợi quốc gia với ngân hàng, với đại hội đồng cổ đông và với người lao động.
Từ khi gắn bó với Smartlink mà sau này là Napas, điều gì khiến chị hài lòng nhất?
Tôi là người luôn muốn đổi mới, sáng tạo và tôi luôn yêu cầu các cán bộ của mình phát huy tính sáng tạo, đổi mới, phát huy tính tiên phong, sức trẻ để vượt qua giới hạn bản thân ở những mục tiêu cao hơn, thách thức lớn hơn.
Như tôi đã nói, điều tự hào mà chúng tôi làm được đó là đã thành công trong việc hợp nhất toàn bộ ATM và POS của toàn bộ thị trường. Hệ thống chuyển mạch các giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 của Napas đã và đang hỗ trợ âm thầm nhưng rất hiệu quả cho các ngân hàng trong việc giảm tải việc cung ứng tiền mặt tại hệ thống ATM, đặc biệt trong những kỳ nghỉ lễ, Tết. Nó cũng hỗ trợ cho các công ty Fintech, Techfin, các công ty trung gian thanh toán thông qua kết nối với các ngân hàng có thể sử dụng hạ tầng chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 của Napas để triển khai các ứng dụng thanh toán di động tiện ích cho các khách hàng, đơn cử như ứng dụng thanh toán Viettel Pay thông qua kết nối giữa MB và Napas.
Có thể nói, Napas giờ đây đã khẳng định được vai trò của một hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế, góp phần triển khai hiệu quả các Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Điều tự hào nữa đó là chúng tôi hợp nhất được 2 công ty Smartlink và Banknet thành Napas. Hai công ty với hai nền văn hóa và những con người khác nhau nhưng vẫn hợp nhất được, vẫn đảm bảo hài hòa chính sách, công việc, đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của người lãnh đạo.
Con đường tiếp theo mà chúng tôi hướng đến là kết nối quốc tế, làm sao để người Việt mình sử dụng được dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi nhất, để người Việt không khác biệt gì với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó cũng cần xét đến việc kế thừa và tôn trọng những gì mà các Tổ chức thẻ quốc tế đã làm được cho thị trường Việt Nam.
Nếu như trước đây, các ngân hàng hay trung gian tài chính rất cần một tổ chức chuyển mạch thẻ, thì giờ đây, với công nghệ blockchain, họ không cần một tổ chức như vậy nữa mà vẫn có thể đảm bảo các giao dịch vận hành rất tốt. Đứng trước xu thế công nghệ đó, Napas sẽ ứng phó như thế nào thưa chị?
Chúng tôi cũng đánh giá công nghệ Blockchain sẽ có những tác động nhất định đến ngành thanh toán và đối tượng bị ảnh hưởng không phải chỉ là các công ty chuyển mạch mà còn bao gồm cả các trung gian thanh toán, các ngân hàng. Tuy nhiên, để đánh giá được các tác động này là tích cực hay tiêu cực thì chúng ta cần xét đến các ứng dụng dựa trên công nghệ này trong bối cảnh của Việt Nam.
Tại thời điểm hiện nay, NHNN đã có thông điệp rất rõ ràng về việc không chấp nhận các loại tiền ảo, tiền mật mã như phương tiện thanh toán và do vậy, việc giao dịch điện tử vẫn cần được thực hiện thông qua các phương tiện thanh toán hiện hữu bao gồm thẻ, tài khoản.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc tối ưu hóa các quy trình giao dịch điện tử và từ đó giảm chi phí xử lý giao dịch đồng thời đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Chúng tôi cùng với 3 ngân hàng ở Việt Nam đã thực hiện rất thành công việc thí điểm ứng dụng công nghệ Blockchain cho dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng trong năm 2018, trong đó, các vấn đề về kỹ thuật, nghiệp vụ, báo cáo cơ quan quản lý đều được chúng tôi giải quyết triệt để.
Về lâu dài, vai trò của NAPAS không chỉ đơn thuần là một công ty chuyển mạch mà sẽ là một công ty về giải pháp và công nghệ thanh toán. Chúng tôi đang hướng đến việc xây dựng các sản phẩm thanh toán mới, ứng dụng các công nghệ hiện đại và có thể áp dụng đồng nhất cho toàn bộ thị trường với một số ví dụ điển hình như sản phẩm thẻ thông minh tiếp xúc, không tiếp xúc, giải pháp thanh toán qua mã QR theo tiêu chuẩn cơ sở của NHNN, giải pháp số hóa thẻ đang được ứng dụng trên SamsungPay v.v… Chúng tôi tin rằng người dùng luôn có nhiều chọn lựa và họ sẽ chọn những giải pháp thanh toán tiện lợi, an toàn và đem lại trải nghiệm tốt nhất. Một công nghệ mới không thể tự thân giải quyết được bài toán này và do vậy chúng tôi tin là chúng tôi đang đi đúng hướng.
Trong chiến lược thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN, Napas đã, đang và sẽ đóng vai trò gì thưa chị?
Napas sẽ tiếp tục hoàn thành tốt vai trò xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia như tôi đã chia sẻ ở trên. Điều này nghe thì đơn giản nhưng nó chứa khối lượng công việc khổng lồ bởi để làm được Napas sẽ phải đưa ra các tiêu chuẩn, hiện tại là chuẩn liên thông của POS, ATM, tới đây là thẻ Chip rồi tiêu chuẩn liên thông cho QR. QR hiện đang được nhắc đến nhiều vì một số ngân hàng, fintech, các trung gian thanh toán đang tích cực triển khai (ví dụ Momo, VNPay, Vietcombank, Sacombank..) nhưng họ mới chỉ đang triển khai với các tiêu chuẩn riêng, giải pháp riêng một cách đơn lẻ trong mạng lưới của từng hệ thống. Việc liên thông tất cả những công nghệ mới đó với nhau để sử dụng được trong toàn hệ thống chính là nhiệm vụ chuyển mạch của Napas.
Tiếp theo là Nghị quyết 02 về thanh toán không dùng tiền mặt cùng Chính phủ điện tử thì Napas sẽ phải phối hợp với các tỉnh thành để hỗ trợ cho các ngân hàng triển khai dịch vụ công cấp độ 4 (cấp độ thanh toán). Để làm được điều đó phải đưa ra được bộ tiêu chuẩn cho phù hợp để không chỉ với những diễn biến hiện tại mà cả xu hướng mới, công nghệ mới đều đáp ứng được.
Một nhiệm vụ trọng tâm nữa trong thời gian tới là Napas sẽ hợp tác với các Tổ chức thẻ quốc tế để triển khai kết nối chuyển mạch các giao dịch thẻ quốc tế cho thị trường vừa đảm bảo tính tuân thủ các quy định của pháp luật mà vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và giảm thiểu ảnh hưởng đến các ngân hàng cũng như mười triệu người dùng thẻ quốc tế của Việt Nam.
Chị có đề cập đến những định hướng rất lớn của Napas, vậy xin hỏi nguồn lực về nhân sự, tài chính phục vụ cho mục tiêu ấy hiện nay ra sao?
Chúng tôi chỉ có khoảng 200 nhân sự. Nhiều tổ chức thẻ quốc tế đến làm việc tại với Napas đều ngạc nhiên rằng vì sao chúng tôi với đội ngũ khiêm tốn lại có thể làm được những việc phi thường đến như vậy? Tôi nghĩ rằng đầu tiên là con người Việt Nam rất cần cù và nỗ lực. Thứ hai là nhân sự trong ngành công nghệ thông tin hết sức sáng tạo. Bên cạnh đó lãnh đạo công ty cũng luôn tạo điều kiện để cho các bạn trẻ được thay đổi, sáng tạo, đổi mới, để ứng dụng cái tốt nhất trong công ty.
Tất nhiên việc tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ thông tin là hết sức khó khăn, nhất là trong bối cảnh các trung gian thanh toán, Fintech phát triển nhanh thì lại càng "hot", nhưng chúng tôi vẫn phải nỗ lực để thu hút người tài. Chúng tôi hiểu rằng, người lao động không đơn thuần chỉ là cần đến đồng lương mà họ còn muốn một môi trường để phát huy tối đa năng lực của mình, mà ở Napas là những đóng góp vào hệ thống chuyển mạch quốc gia, và trách nhiệm của lãnh đạo Napas là phải truyền lửa nhiệt huyết ấy cho cán bộ nhân viên của mình.
Còn về tài chính, chúng tôi có cổ đông là Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng nên việc đầu tư cũng luôn được sẵn sàng đáp ứng phù hợp với chính sách phát triển chung.
Là một doanh nghiệp làm dịch vụ thì vấn đề lợi nhuận cũng phải xem trọng, nhưng nhìn vào Napas dường như không thấy quan tâm đến điều đó?
Một trong những điều mà tôi ảnh hưởng rất lớn ở Vietcombank là làm việc không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu. Khi xây dựng một doanh nghiệp không vì lợi nhuận thì lợi nhuận tự nhiên nó sẽ đến với mình. Nếu chỉ chăm lo thu phí dịch vụ cao để kiếm lợi nhuận thì sẽ khó khăn vô cùng trong việc tồn tại, sẽ không thể đi được đường dài, đây cũng là điều tôi cũng muốn truyền lại cho thế hệ lãnh đạo sau của công ty. Tôi tin mình làm tốt, vì những mục đích lớn lao, hướng đến số đông, toàn xã hội thì công ty sẽ có nguồn thu tốt, người lao động sẽ được hưởng chế độ tốt, con đường sẽ rộng mở.
Là lãnh đạo nữ, chị có những thuận lợi và khó khăn gì trong công việc?
Đàn ông có thể dành 90% cho sự nghiệp nhưng phụ nữ thì không. Tạo hóa cho mình thiên chức là phụ nữ thì phải cân bằng hài hòa giữa công việc và cuộc sống, ngoài đảm nhiệm công việc ở công ty thì còn phải xây dựng tổ ấm. Hậu phương có vững mạnh thì tiền tuyến mới vững mạnh được.
Tôi vẫn nghĩ đối với một người phụ nữ làm lãnh đạo thì nỗ lực của họ phải hơn rất nhiều. Tôi cũng nói với các anh chị em trong công ty rằng, phụ nữ làm quản lý, làm vị trí chủ chốt không phải 2 đảm đang mà là 10 đảm đang thì mới cân bằng được tất cả: đảm việc nước, việc nhà, mọi quan hệ xã hội.
Nam giới thuận lợi hơn nữ giới ở chỗ họ quyết đoán hơn trong công việc, họ nhạy cảm hơn với sự phát triển công nghệ thông tin. Họ cũng có thể dẹp việc gia đình để dốc sức toàn bộ cho công việc nhưng phụ nữ thì không. Ngoài ra, văn hóa của người Việt là phải ngoại giao nhiều trong công việc, nam giới sẽ làm tốt hơn nữ.
Phụ nữ có khó khăn nhưng lại có thế mạnh mà nam giới không có được. Chẳng hạn đó là sự tinh tế trong cuộc sống, trong xã hội, quản lý chi tiết hơn, quan tâm đến cuộc sống nhân viên của mình để thúc đẩy họ nỗ lực trong công việc. Việc xây dựng quan hệ hài hòa mềm dẻo với cơ quan quản lý, với đối tác, hội đồng quản trị, với người lao động…
Nhiều người nói phụ nữ làm trong ngành tài chính sẽ khô khan, mạnh mẽ, "đàn ông hóa", chị nghĩ sao?
Tôi thì nghĩ rằng ngành này không khô khan, nó luôn thay đổi và đầy thách thức. Cách mạng 4.0 tác động đến mọi ngành kinh tế, đặc biệt trong thanh toán, ngân hàng thì lĩnh vực thanh toán có tác động nhất. Cho nên những đổi mới, sáng tạo của thế giới làm sao để ứng dụng được vào Việt Nam phù hợp với hoàn cảnh của nước ta là một công việc hết sức thú vị.
Và tôi cũng không nghĩ mình có thể "đàn ông hóa" bởi công việc. Tất nhiên có những cái mình phải vượt qua cái tôi của bản thân. Chẳng hạn ở doanh nghiệp, mình là lãnh đạo thì phải quyết đoán nhưng ở gia đình thì tôi lại để người đàn ông của mình quyết đoán. Quan điểm của tôi cái gì là trách nhiệm của mình thì mình sẽ nỗ lực làm bằng được, nhưng như ở gia đình có thể dựa vào bố mình, vào chị, vào chồng thì tôi sẽ dựa hoàn toàn ở họ. Tôi thích "dựa dẫm" vào những người mình có thể dựa được - đó là đặc tính của người phụ nữ mà (cười).
Với khối lượng công việc khổng lồ nhưng chị vẫn luôn tràn đầy sức sống, năng lượng, xin hỏi bí quyết nào giúp chị cân bằng tốt giữa cuộc sống và công việc?
Yoga và tập thể dục buổi sáng là hai thứ tôi luôn thực hiện. Ngoài ra tôi có những tình bạn rất đẹp từ thuở ấu thơ cho đến tận bây giờ, chúng tôi luôn sẻ chia những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. Tôi cũng thích đùa chơi với con cháu. Tôi còn có đội ngũ nhân viên hết sức tận lực, tận tâm và nhiệt huyết với công việc. Tất cả những thứ đó giúp tôi có thêm sức sống, thêm năng lượng để hoàn thành công việc tốt hơn.
Những điều đó chị có truyền cảm hứng cho các bạn nhân viên nữ trong công ty không?
Có chứ. Tôi luôn nói với các chị em trong công ty, rằng mình ở công ty, là người quản lý nữ thì cần là chỗ dựa tin tưởng cho các nhân viên cấp dưới, sẻ chia giúp đỡ họ trong công việc. Khi người lao động tìm thấy được sự chân thành, họ sẽ có động lực để phấn đấu hơn.
Tôi cũng nói với các nhân viên rằng hãy biết yêu và chăm sóc bản thân mình. Tôi nhớ bố tôi ngày xưa có từng nói "con hãy học cách yêu và chăm sóc chính con, có như vậy mới có thể yêu và chăm sóc được gia đình nhỏ của con sau này" và tôi rất thích câu nói ấy, vẫn giữ điều đó cho đến tận bây giờ. Nếu mỗi người biết yêu thương bản thân thì sẽ yêu thương gia đình và công việc tốt hơn.
Thứ mà tôi luôn giữ là chân thành và chia sẻ. Với đồng nghiệp, các em trong công ty và đối tác, tôi luôn giữ sự chân thành, tôi tin rằng mình chân thành thì cũng sẽ nhận được chân thành, và qua 30 năm làm việc tôi chưa từng ân hận về điều đó.
Là người lãnh đạo doanh nghiệp, nhân ngày 8-3 này, chị có thể nhắn nhủ đôi điều với thế hệ các bạn quản lý trẻ tuổi nói riêng và các bạn nữ trẻ nói chung?
Tôi có lời khuyên với các bạn rằng mình phải có định hướng, say mê trong công việc, đừng làm gì nặng nề. Nếu làm việc gì không say mê, không cảm thấy hạnh phúc thì hãy chuyển sang công việc khác. Say mê trong công việc là quan trọng. Nếu bạn công việc phù hợp với khả năng, làm với niềm say mê và nhiệt huyết của mình thì thành công chắc chắn sẽ đến.
Có người hỏi rằng thế có khi nào phải giới hạn tuổi tác để quyết định thay đổi công việc hay không? Tôi nghĩ là không, nhiều người vẫn thành công ở sau tuổi 50 đấy thôi. Tôi cũng tâm đắc với câu nói rằng, "cuộc đời không phải bắt đầu vào tuổi 20 mà vào mỗi buổi sáng lúc rạng đông".
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Ảnh: Nguyễn Nguyễn
7pm