Đầu tư hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri bày tỏ sự phấn khởi, đánh giá kỳ họp đã hoàn thành những nội dung quan trọng, thể hiện được sự kết tinh của trí tuệ, đoàn kết, sáng tạo và đổi mới. Đồng thời, cử tri cũng nêu nhiều ý kiến, kiến nghị tập trung vào các vấn đề về đời sống dân sinh, cử tri Phan Mai Phương (phường Hàng Bạc) đề xuất việc trông cây xanh cho TP cần minh bạch, công tác bảo vệ môi trường , xử lý rác thải, lát đá vỉa hè cần đảm bảo độ bền vững, lâu dài, đồng thời UBNDTP Hà Nội triển khai xây dựng những dự án sinh hoạt cộng đồng cho người dân Hà Nội.
Cử tri Trịnh Thị Nhung (phường Hàng Đào) nêu ý kiến UBNDTP nên xây dựng thêm những bãi xe tĩnh qua đó tạo thuận lợi cho người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa trên khu vực phố cổ. "Hiện các bãi giữ xe tĩnh trên địa bàn phường Hàng Đào đang quá tải nên khách hàng không có chỗ gửi xe khi mua sắm dẫn đến người dân kinh doanh trên địa bàn phường Hàng Đào khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa. Vì vậy đề nghị UBNDTP xây dựng thêm các bãi gửi xe tĩnh, xem xét miễn giảm phí gửi xe tĩnh cho một số đối tượng, cho phép đậu xe sát ngay cửa hàng trong một số khung giờ nhất định để tạo điều kiện cho việc mua bán", cử tri Trịnh Thị Nhung nêu ý kiến.
Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri.
Các cử tri, Nguyễn Đắc Tiến (phường Phúc Tân), Nguyễn Văn Cảo (Phường Hàng Bồ) có chung ý kiến về vấn đề việc quản lý quy hoạch của Thủ đô còn chưa chặt chẽ, tình trạng xây dựng quá nhiều nhà cao tầng nhưng lại không mở thêm đường giao thông… khiến hệ thống đường bộ quá tải, người dân khu vực đê sông Hồng không được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, sai phạm ở công trình 8B Lê Trực chưa được giải quyết triệt để
Vì vậy thời gian tới UBNDTP Hà Nội cần làm tốt hơn nữa việc quy hoạch Thủ đô, kiến quyết không để các nhà đầu tư vì lợi ích trước mắt cố tình phá vỡ quy hoạch hoặc làm sai quy hoạch sau đó xin phép tồn tại. Cử tri Đặng Văn Hường (Hàng Mã) và nhiều cử tri khác mong muốn, UBNDTP Hà Nội quan tâm đầu tư du lịch bền vững, giải quyết tình trạng xích lô, taxi ép giá khách du lịch, đồng thời không cho phép xe ô tô 29 chỗ đi vào khu vực phố cổ đón trả khách du lịch. Ngoài ra cần kết nối không gian đi phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm với các khu vực xung quanh qua đó tạo thành "bộ mặt" mới cho ngành du lịch Thủ đô; Chú trọng giải quyết tình trạng một số hộ dân không đeo rọ mõm hoặc để chó thả rông tại các khu vực công cộng, trong đó có không gian đi bộ.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng
Trân trọng tiếp thu các ý kiến xác đáng của cử tri, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trao đổi một số vấn đề mà cử tri quan tâm. Liên quan đến kiến nghị mở thêm các bãi đỗ xe tĩnh ở phụ cận không gian đi bộ, Chủ tịch UBND TP cho biết, sau 3 năm thực hiện, TP sẽ tổng kết đánh giá tác động với đời sống người dân và sẽ có cách tổ chức hiệu quả hơn trong thời gian tới. Chủ tịch UBND TP đề nghị quận Hoàn Kiếm lấy ý kiến người dân các phố lân cận phố đi bộ để nắm bắt nhu cầu người dân.
"Việc tổ chức bãi đỗ xe còn bất cập, TP đã khảo sát khu đất ở phố Trần Quang Khải với diện tích lớn để xem xét làm bãi đỗ xe. Địa điểm này chỉ cách phố đi bộ hơn 300 mét nên sẽ rất tiện lợi cho người dân", Chủ tịch UBND TP thông tin thêm.
Về quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng, Hà Nội đã kêu gọi xã hội và nguồn lực của TP để xây dựng quy hoạch. Tuy nhiên, cần phê duyệt quy hoạch phân lũ trước. TP sẽ hoàn thiện đồ án này, để trình HĐND TP xem xét trong 2019. Trong đó có xem xét việc đời sống người dân ở ngoài bãi của TP.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại biểu tiếp xúc cử tri.
TP rất trăn trở, và sẽ nghiên cứu để họp bàn, xử lý để đảm bảo đời sống người dân. TP quy hoạch 2 bở sông theo hướng đê kết hợp với đường đảm bảo àn toàn ở mức báo động 3 trong 500 năm. Đê và đường sẽ tạo ra đường rộng, thông thoáng; giao thông đường thủy phục vụ du lịch và tạo ra quỹ đất để người dân cải tạo không gian sống và là nguồn lực để đầu tư. TP sẽ sớm công khai quy hoạch này", Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ.
Để giảm ùn tắc giao thông, TP đã mời các chuyên gia trong và ngoài nước rà soát tất cả các tuyến đường. Trong đó có giải pháp xén đường, giảm độ rộng giải phân cách giữa. Đây hoàn toàn là cách tính toán bình thường và các nước khác cũng làm như vậy. 3 năm qua, TP đã nỗ lực đưa diện tích giao thông từ 7,6m vuông/đầu người lên 9,8m2. Sau hợp nhất, tỷ lệ đô thị hóa Hà Nội chỉ còn 42%. Đến nay mới đạt 53% (mục tiêu 75%).
Về sai phạm ở công trình 8B Lê Trực, Chủ tịch cho biết, đã cưỡng chế xong sai phạm ở tầng 19. Viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng sau khi thẩm định cho biết, nếu cắt tầng 17,18 sẽ không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên TP đã yêu cầu các đơn vị khác trưng cầu giám định và cương quyết sẽ cưỡng chế tất cả phần sai phạm. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn sai phạm ở một số công trình đang xây dựng trên địa bàn TP, hiện TP đã chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan Công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật qua đó đảm bảo kỷ cương phép nước.