Theo kế hoạch trình cổ đông tại ĐHĐCĐ, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự kiến xin thưởng cho ban tổng giám đốc 8% số tiền vượt lợi nhuận trước thuế của 2 năm liên tiếp.
Khoản thưởng dự kiến mà ban tổng giám đốc được nhận sẽ là 72 tỷ đồng, chia cho 3 cá nhân, bao gồm tổng giám đốc Tô Hải và các phó tổng giám đốc Đinh Quang Hoàn và Nguyễn Quang Bảo.
VCSC cũng phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá chỉ 12.500 đồng/cp (bằng 1/5 thị giá 62.000 đồng/cp ngày 11/3), mục đích tưởng thưởng và giữ chân nhân tài.
Đối với cổ đông, VCSC phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tương ứng tỷ lệ 30%). Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá khoảng 1.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau khi phát hành ESOP và trả cổ tức dự tăng lên 4.355 tỷ đồng.
Năm 2022, công ty dự kiến trình cổ đông kế hoạch doanh thu 3.240 tỷ đồng, giảm 12,6% và lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng, tăng 2,7% so với thực hiện năm trước.
Doanh thu qua các năm (Đơn vị: Tỷ đồng) |
VCSC chủ trương tiếp tục đẩy mạnh mảng lợi thế là ngân hàng đầu tư (IB). Hiện, các hợp đồng công ty đang thực hiện có giá trị giao dịch lớn ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng, bao gồm các lĩnh vực bất động sản, hàng tiêu dùng, hàng không, khu công nghiệp.
VCSC cũng lên phương án lập công ty con ở Singapore với vốn đầu tư vào khoảng 2,1 triệu USD, tương đương 50 tỷ đồng. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực tự doanh chứng khoán, cung cấp nghiệp vụ, dịch vụ kinh doanh chứng khoán.
Kết thúc năm 2021, VCSC ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 3.707 tỷ đồng, tăng 114% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế 1.499 tỷ đồng, tăng 95%. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục của Công ty trước sự bùng nổ của TTCK.
Theo báo cáo quản trị năm 2021, chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng sở hữu 4,1% cổ phần công ty. Còn tổng giám đốc Tô Hải và gia đình nắm giữ 28% cổ phần Bản Việt.
Chồng bà Phượng cũng tham gia HĐQT Chứng khoán Bản Việt. Bà Phượng cùng các thành viên trong ban lãnh đạo công ty đã duy trì truyền thống không nhận thù lao gần 10 năm nay.
VN-Index mất ngưỡng 1.470 điểm
VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.466,54 điểm, tương ứng giảm 38,79 điểm (-2,58%) so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 8,39 điểm (-1,86%) xuống 442,2 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index vẫn tăng 2,08 điểm (1,84%) lên 115,37 điểm.
Thanh khoản từng phiên và cả tuần đều sụt giảm cho thấy dòng tiền vẫn đang lựa chọn đứng ngoài quan sát. Nhìn chung, sự phân hóa trên thị trường vẫn đang diễn ra, với việc nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ sự leo thang của giá cả các loại hàng hóa trên thị trường quốc tế tiếp tục đi ngược lại diễn biến của chỉ số chung, cũng như nhóm vốn hóa lớn.
SSI nhận định, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ đầu tiên tại 1.445-1.450 điểm và vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo tại 1.425-1.400 điểm.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo 14-18/3, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo 1.425-1.450 điểm nếu như không sớm lấy lại được ngưỡng 1.470 điểm.
“Các nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ danh mục đã mua trước đó và cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm”, SHS khuyến nghị.
Duy Anh