Đây là vấn đề được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại buổi họp tại đoàn TP.HCM sáng 25/5.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải nhìn vào thực chất, "doanh nghiệp và người dân cả nước còn khó khăn sau đại dịch COVID-19, trong khi đó thu ngân sách nhà nước tăng rất cao. Đây là điều cực kỳ bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do tác động của COVID-19. Khó khăn của doanh nghiệp là không thể bàn cãi khi nền kinh tế bị phong tỏa".
Theo Chủ tịch nước, tích luỹ của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đã tiêu gần hết trong đại dịch. Và trước mắt, có những yếu tố khiến nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng lạm phát.
"Giá cả năng lượng toàn cầu tăng cao, tiếp tục thâm nhập sâu vào nền kinh tế chúng ta. Chúng ta phải lưu ý vấn đề này, để cuốn theo các vấn đề khác. Các yếu tố đầu vào từ đó mà tăng lên, kéo theo nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng khó khăn chung.
Hiện nay, yếu tố đầu vào như vậy làm tình hình xấu đi. Mỹ và các nước châu Âu rất khó khăn. Tăng trưởng Trung Quốc giảm sút...", Chủ tịch nước dẫn chứng.
Nói về tình hình thị trường chứng khoán, Chủ tịch nước cho rằng vừa qua có nhiều yếu tố tác động khiến thị trường chứng khoán “bốc hơi” mạnh.
"Chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng, nhưng thời gian gần đây xuống. Rất nguy cơ. Có thể mất 50 - 60 tỷ USD trong thời gian ngắn. Trong khi FDI vào mạnh như thế nhưng cũng chỉ đem vào sản xuất trên 10 tỷ USD.
Phải có biện pháp tốt hơn, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này trong thời gian tới. Đối với doanh nghiệp hiện có hai kênh quan trọng, một là tín dụng, hai là trái phiếu.
Trái phiếu bản chất không phải xấu, chỉ có điều chúng ta điều phối, kiểm soát thế nào cho nó tốt, bởi những thị trường vốn này rất quan trọng đối với doanh nghiệp, gần như quyết định sự tăng trưởng của doanh nghiệp", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng nếu các giải pháp trong gói kích thích kinh tế, đầu tư công đi vào thực chất, làm sao để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, “đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo”.
Bên cạnh đó là các vấn đề xã hội cũng cần đặc biệt quan tâm, phải "được đặt vấn đề mạnh mẽ hơn trong chỉ đạo". Nhất là về giáo dục, tình trạng xâm hại, bạo hành, đuối nước, bạo lực học đường với trẻ em.
Về quy mô phát triển nền kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý rằng chúng ta mất hai năm (phát triển chưa cao) do nhiều nguyên nhân khách quan. Do đó, cần phải có sự lo lắng, có biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ, với cơ chế chính sách đồng bộ, quyết liệt nếu không rất khó đạt mục tiêu phát triển kinh tế như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu.