Trình bày trước Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
"Việt Nam khẳng định được vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á – Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực và trên trường quốc tế", Chủ tịch nước cho biết.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường. Việc tham gia CPTPP một mặt giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, mặt khác giúp đất nước củng cố vị thế nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh.
Theo Chủ tịch nước, khi Hiệp định đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên trong hiệp định, đặc biệt là những nước có quan hệ đối tác chiến lược.
Dù vậy, Chủ tịch nước cũng lưu ý việc tham gia CPTPP cũng đặt đất nước vào những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế...
Ông cho biết việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hoá, chống tham nhũng đòi hỏi Việt Nam phải chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý nhằm phù hợp với điều ước quốc tế nhưng đảm bảo vững chắc sự ổn định chính trị - xã hội.
Theo Chủ tịch nước, Chính phủ đã trình lên đề xuất Hiệp định CPTPP và các văn kiện kèm theo. Chính phủ không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào của Hiệp định. Đối với những cam kết đã đủ rõ, đủ chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp.
Để đảm bảo thực hiện Hiệp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện danh mục các luật, pháp lệnh, nghị định cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với các cam kết trong CPTPP.
Cụ thể, Chủ tịch nước dẫn ra kết quả rà soát đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 văn bản gồm 8 luật, 4 nghị định của Chính phủ, ban hành mới 7 văn bản (6 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng), gia nhập 3 điều ước quốc tế.
Các văn bản pháp luật vẫn sẽ được rà soát, sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực hiện Hiệp định.
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và căn cứ quy định tại khoản 14, Điều 70 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.