Ngày 28-12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đã tổ chức tọa đàm "Thành phố Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và triển vọng". Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự cùng với lãnh đạo TP Đà Nẵng, nguyên lãnh đạo TP Đà Nẵng qua các thời kỳ.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch nước đánh giá cao sự phát triển của TP Đà Nẵng trong 25 năm qua. Từ một đô thị nhỏ, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn; Đà Nẵng đã vươn mình phát triển kinh tế, giữ vững an ninh - quốc phòng, trở thành một thành phố có tốc độ phát triển, đô thị hóa nhanh, hấp dẫn trong nước và khu vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tọa đàm "Thành phố Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và triển vọng". Ảnh: Hồ Quốc
Theo Chủ tịch nước, Đà Nẵng có phát triển nhưng quy mô, tầm vóc còn nhỏ, chưa xứng đáng là TP loạt I, TP đặc biệt trực thuộc Trung ương, TP trung tâm của khu vực. Lấy ví dụ tỉnh Thanh Hóa thu ngân sách 35.000 tỉ đồng, tỉnh Quảng Nam gần 25.000 tỉ đồng, Chủ tịch nước cho rằng Đà Nẵng phải có động lực vươn lên cùng với các địa phương, TP lớn trong cả nước, so với tầm khu vực châu Á, Thái Bình Dương.
Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn thời gian tới TP Đà Nẵng phải thực hiện thành công những mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị là trở thành "đô thị lớn sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và là thành phố biển đáng sống, đạt đẳng cấp khu vực Châu Á".
Chủ tịch nước đề nghị TP Đà Nẵng thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt 6 nội dung. Một là Đà Nẵng cần trở thành đô thị trung tâm, động lực kinh tế quan trọng nhất của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như toàn vùng Bắc và Nam Trung Bộ. Hai là cần tập trung cao cho phát triển nguồn vốn con người, phát huy bản sắc văn hóa, phẩm chất vốn có của người dân xứ Quảng, những con người trung dũng kiên cường trong chiến đấu giành độc lập, đổi mới sáng tạo dám nghĩ dám làm trong dựng xây đất nước.
Ba là, Đà Nẵng cần thực hiện phát triển xanh, trở thành nơi đáng sống, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, có bản sắc riêng. Bốn là, cần tập trung cho những mũi nhọn với những ưu tiên như phát triển hạ tầng giao thông, viễn thông, nâng cao chất lượng dịch vụ, sự phong phú hấp dẫn về các sản phẩm du lịch để định vị Đà Nẵng là điểm đến an toàn, mến khách. Đối với những dự án đã có kết luận thanh tra theo pháp luật, Chủ tịch nước lưu ý lãnh đạo TP Đà Nẵng phải báo cáo Bộ Chính trị để tạo cơ chế, quyết sách đặc biệt. Không để nhùng nhằng làm ảnh hưởng nguồn lực của TP. Đà Nẵng không nên so với các địa phương khác mà cần mạnh dạn so với các TP trong khu vực để có chiến lược cạnh tranh xứng tầm và đặc biệt giữ nét riêng. Đà Nẵng không cần phải sao chép hay lặp lại mô hình đô thị nào đó mà phải tạo sự khác biệt, phải trở thành đô thị độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam, trong khu vực mà còn trên thế giới.
Năm là, Đà Nẵng cần chú trọng gia cường các nền tảng xã hội, thông qua việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, quan tâm người có công, các nội dung chương trình "TP 5 không 3 có", "TP 4 an", gắn với việc xây dựng văn minh đô thị, tăng cường đối thoại, giải quyết những khó khăn, những vướng mắc, những khiếu nại của người dân, của doanh nghiệp. Sáu là, Đà Nẵng cần đặc biệt chú trọng tăng cường bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch nước tặng quà cho các đại biểu tham dự tọa đàm
Cũng tại tọa đàm, Chủ tịch nước gợi ý cho Đảng bộ, chính quyền TP Đà Nẵng 8 vấn đề. Trong đó, TP Đà Nẵng phải tăng cường sức mạnh kinh tế; tạo dựng vốn vật chất; cải thiện và nâng cao hiệu quả của thể chế; phát huy tính đa dạng của văn hóa xứ Quảng; xây dựng vốn con người, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; vun đắp và bảo vệ tự nhiên và môi trường; triển khai trên tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt để sớm đưa Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, đẳng cấp
Nói về chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển của Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy TP, cho hay vào ngày 1-1-1997 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã được chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương để Đà Nẵng bước vào một chặng đường phát triển mới.
Những ngày đầu chia tách, Đà Nẵng phải tiếp tục đương đầu với không ít khó khăn, thách thức, nhất là phải chống chịu thiên tai bão lụt triền miên, sự yếu kém nội tại của nền kinh tế, việc đổi mới tư duy trong xây dựng phát triển của người dân TP, là những khó khăn, thử thách không nhỏ đối với một thành phố non trẻ như Đà Nẵng. Trong điều kiện vô vàn khó khăn đấy nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên bằng ý chí và khát vọng phát triển.
Chính trong gian nan, thách thức đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Đà Nẵng đã phát huy truyền thống cách mạng anh dũng kiên cường, đoàn kết, bản lĩnh, phát huy những thành quả của các thời kỳ trước đây, luôn nhạy bén với cái mới, dám nghĩ, dám làm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của thành phố, và đã đạt được những thành tựu to lớn.
Với sự phát triển nhanh chóng, ngày 15-7-2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 145/2003/QĐ-TTg công nhận TP Đà Nẵng là đô thị loại I cấp quốc gia. Đặc biệt, để giúp cho Đà Nẵng có những cơ chế đột phá cho sự phát triển lâu dài, bền vững, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 về "Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".