Sáng 28/8/2019, người đàn ông huyền thoại trên chính trường Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamad, đã đích thân cầm lái chiếc Vinfast Lux SA 2.0 trong chuyến công du Việt Nam. Ở tuổi 94 (khi đó), niềm đam mê đặc biệt của Dr Mahathir với xe hơi không hề suy giảm mà ngược lại, nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á tỏ ra khá hài lòng với chiếc ô tô thương hiệu Việt.
Theo truyền thông Việt Nam, nhà lãnh đạo Malaysia đã đi chậm chờ đội xe an ninh đi trước khá xa trước khi tăng tốc chiếc xe tới hơn 100km. Tuy nhiên, đường thử quá (3km) ngắn không cho phép nhà lãnh đạo Malaysia tăng tốc lên cao hơn nữa, điều mà ông cảm thấy nuối tiếc với chiếc xe Made in Việt Nam.
Trao đổi với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Thủ tướng Mahathir nói rằng: "Xe rất khỏe và có thiết kế rất đẹp. Tiếc là tôi chỉ lái được 100 km/h".
Chắc hẳn, nhiều người đã biết ông Mahathir chính là cha đẻ thương hiệu xe hơi nội địa đầu tiên của Malaysia. Năm 1979, ông Mahathir, khi đó là Phó Thủ tướng Malaysia, đã đưa ra ý tưởng thành lập ngành công nghiệp ô tô của Malaysia. Tới năm 1982, nội các nước này thông qua dự án xe hơi quốc gia đầu tiên. Hãng xe quốc doanh Proton ra đời năm 1983 và chiếc xe đầu tiên, Proton Saga, ra mắt vào 9/7/1985.
Tới năm 1996, Proton đánh dấu mốc quan trọng khi sản xuất được chiếc xe thứ 1 triệu. Hãng xe nội địa từng thống trị thị trường Malaysia vào đầu thập niên 1990 và chiếm tới 74% thị phần vào năm 1993.
Tuy nhiên, việc Malaysia hạ thuế với xe hơi nhập khẩu bởi những chính quyền kế nhiệm ông Mahathir (Thủ tướng Malaysia lần đầu từ năm 1981-2003) đã khiến doanh số Proton sụt giảm. Cụ thể, năm 2001, thị phần của nó chiếm 53% nhưng sụt xuống còn 14% vào năm 2016.
Ngoài vấn đề chính sách, cũng có những vấn đề liên quan tới chất lượng của xe Proton cũng như sự ra đời của hãng xe quốc doanh thứ 2 có tên Perodua vào đầu những năm 1990. Dù được ra đời nhằm đánh chiếm thị phần Đông Nam Á nhưng Perodua cũng trở thành đối thủ với Proton, khiến doanh nghiệp này mất thêm thị phần.
Malaysia cũng từng nỗ lực để cứu công ty ô tô quốc doanh của mình. Tuy nhiên, mọi nỗ lực hợp tác với các ông lớn ô tô toàn cầu đều không mang lại mấy hiệu quả. Năm 2017, một thông tin gây sốc được đưa ra khi Tỷ phú Trung Quốc Li Shufu, Chủ tịch Tập đoàn Zhejiang Geely Holding, ký thỏa thuận mua lại 49,9% cổ phần Proton.
Chưa hết, Geely của tỷ phú Li cũng nhận 51% cổ phần thương hiệu xe thể thao Lotus quan trọng của Proton. Điều này đồng nghĩa công ty Trung Quốc sẽ nắm cổ phần chi phối của thương hiệu sản xuất xe thể thao nổi tiếng của Anh trước đây.
Trung Quốc muốn dựa vào danh tiếng của Proton để thâm nhập thị trường 600 triệu dân của Đông Nam Á. Tuy nhiên, quyết định này đã khiến niềm tự hào quốc gia của Malaysia không còn trọn vẹn dù DRB-HICOM, một tập đoàn của Malaysia, vẫn nắm 50,1% cổ phần Proton.
Tổng hợp