Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex đang đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn nhiên liệu để cung cấp đủ năng lượng phục vụ sự phát triển của nền kinh tế.
Hiện nay, tập đoàn đang vận hành khoảng 5.000 trạm xăng trên toàn quốc và trung bình mỗi năm lại xây dựng thêm 70 trạm mới. Nhưng mới đây họ đang thực hiện các bước để phân nhánh nguồn năng lượng, chẳng hạn như dự định xây dựng một nhà ga khí thiên nhiên hóa lỏng và tích hợp cửa hàng tiện lợi cùng với trạm sạc xe điện vào trạm xăng. Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Phạm Văn Thanh đã có một cuộc phỏng vấn ngắn với Nikkei Asian Review.
Phóng viên: Tại sao Petrolimex quyết định dừng dự án lọc hóa dầu thứ ba của Việt Nam?
Ông Phạm Văn Thanh: Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu, một do Tập đoàn Dầu khí điều hành, và một do Idemitsu Kosan của Nhật Bản điều hành, bắt đầu hoạt động vào năm 2018. Hai nhà máy lọc dầu này đã có thể đáp ứng khoảng 90% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Việc xây dựng nhà máy thứ ba khó có thể được hưởng những ưu đãi về thuế và các khía cạnh khác giống như hai nhà máy đã có.
Chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ kế hoạch này, nhưng đang xem xét xây dựng trạm đầu mối khí thiên nhiên hóa lỏng LNG như một giải pháp thay thế. Chúng tôi đã ký một biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nơi đang xây dựng một nhà máy điện (chạy bằng khí). Vì trạm đầu mối của chúng tôi sẽ được vận hành để phục vụ việc nhập khẩu các sản phẩm dầu khí, chúng tôi sẽ xem xét dự án dựa trên việc kinh doanh khí hóa lỏng.
Phóng viên: Dự báo cầu xăng dầu trong thời gian tới sẽ chậm lại, Petrolimex đã chuẩn bị ra sao?
Ông Phạm Văn Thanh: Nhu cầu xăng dầu dự kiến sẽ tăng 5% mỗi năm, mặc dù chậm hơn so với tăng trưởng kinh tế Việt Nam (từ 6% đến 7%). Chúng tôi không cho rằng môi trường kinh doanh sẽ thay đổi quá nhiều trong 5 năm tới. Tuy nhiên, trên cơ sở lâu dài, chúng ta sẽ cần chuẩn bị cho việc sử dụng rộng rãi xe điện và xe máy. Chúng tôi đã bắt tay với Vingroup, với dự định sẽ mở rộng thị trường xe điện trong năm 2019. Chúng tôi đã bắt đầu lắp đặt bộ sạc EV tại các trạm xăng của mình, hy vọng sẽ có chúng ở tất cả các trạm của chúng tôi.
Phóng viên: Petrolimex làm thế nào để tăng năng lực cạnh tranh của trạm xăng?
Ông Phạm Văn Thanh: Chúng tôi muốn sử dụng cách thức quản lý của JXTG Nippon Oil & Energy (công ty Nhật Bản nắm giữ 8% cổ phần của Petrolimex). Chúng tôi sẽ tích hợp các trạm xăng với trạm sạc xe điện và cửa hàng tiện lợi. Chúng tôi dự định sẽ thử nghiệm tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2019.
Vì các trạm xăng tích hợp cửa hàng bán lẻ sẽ chiếm diện tích rộng hơn trước, chúng tôi sẽ phải thúc đẩy việc xây dựng các trạm xăng. Chúng tôi sẽ đặt mục tiêu làm cho các trạm xăng thân thiện hơn với người dùng bằng cách xây dựng mối quan hệ tốt với các nhà bán lẻ.
Phóng viên: Các trạm xăng tự phục vụ đang ngày càng phát triển đúng không?
Ông Phạm Văn Thanh: Chúng tôi có khoảng 30 trạm tự phục vụ và sẽ mở rộng mạng lưới này một cách nghiêm túc. Nhưng xã hội Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tiền mặt và việc sử dụng thẻ tín dụng vẫn chưa trở nên phổ biến nên chúng tôi chưa thể phát triển các trạm này dễ dàng như các quốc gia khác. Do đó chúng tôi sẽ vận hành các trạm theo cách phù hợp với thị trường Việt Nam trong song song với việc phân tích phản ứng của khách hàng.
Phóng viên: Ông có thể nói thêm về dự định sắp tới của Petrolimex với tập đoàn JXTG không?
Ông Phạm Văn Thanh: Bây giờ tôi chưa thể nói bất cứ điều gì cụ thể, nhưng chúng tôi đang đàm phán với tập đoàn JXTG về một liên doanh 50-50. Chúng tôi đã đề xuất với chính phủ về dự định đó. Chính phủ sẽ quyết định việc này, tôi chưa biết liệu chúng ta có thể thành lập một liên doanh vào tháng 4 như kế hoạch hay không.