Tại hội thảo CEO Exchange do Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái ông Phạm Đình Đoàn sau khi nghe chia sẻ của doanh nghiệp lữ hành PYS Travel (link) vì đại dịch Covid không có doanh thu đã chuyển sang kinh doanh rau củ và các đặc sản vùng miền đã đưa ra lời khuyên cho các lãnh đạo trẻ.
Ông Đoàn cho rằng, "doanh nghiệp to chưa chắc bằng doanh nghiệp tốt và top", tức là ở bất kì loại hình kinh doanh nào thì doanh nghiệp phải là doanh nghiệp tốt và đứng đầu trong lĩnh vực mình kinh doanh.
Ông Đoàn nhận định, nếu cuộc đời được ví như cuộc đua "Đường lên đỉnh Olympia", thì từng mốc cuộc đời sẽ chia theo từng giai đoạn: 25 tuổi sẽ giống như bước "Khởi động", 30 tuổi là giai đoạn "Vượt chướng ngại vật", là giai đoạn vất vả tích luỹ kinh nghiệm, đến năm 40 tuổi thì "Tăng tốc", 50 tuổi "Về đích" và 60 tuổi sẽ là giai đoạn "Chuyển giao". Như vậy 40-50 tuổi sẽ là độ tuổi thành công nhất của con người.
Ông Đoàn đưa ra lời khuyên với những doanh nghiệp trẻ như PYS Travel rằng, các lãnh đạo trẻ vẫn còn rất nhiều cơ hội phía trước. Chủ tịch Phú Thái cũng gợi ý Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội nên có những diễn đàn đầu tư, để các doanh nghiệp lớn như Phú Thái, những thế hệ đi trước có thể đầu tư vào các doanh nghiệp trẻ có tiềm năng nhưng vì dịch bệnh có thể gặp khó khăn tạm thời thì thế hệ đi trước như ông Phạm Đình Đoàn sẵn sàng đầu tư và dìu dắt. Ông Đoàn cho rằng: "Trong lúc khó khăn, nhiều doanh nghiệp tốt bị dừng là rất đáng tiếc".
Tái cấu trúc doanh nghiệp – Tìm cơ hội sau khủng hoảng
Theo ông Phạm Đình Đoàn, việc tái cấu trúc đang diễn ra ở khắp các doanh nghiệp theo các quy mô khác nhau. Tái cấu trúc đơn giản chính là sự thay đổi phương thức quản trị - vận hành tổ chức (mô hình kinh doanh, phương thức kinh doanh, cơ cấu tổ chức, cơ cấu vốn…Quy trình tái cấu trúc toàn diện nên bắt đầu từ lãnh đạo và văn hoá, rồi mới đến thay đổi chiến lược và thiết chế tổ chức. Tái cấu trúc theo định hướng chuyển đổi số chính là thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp theo mô hình số hoá.
Chủ tịch Phú Thái cho rằng có 4 vấn đề cốt lõi trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp bao gồm: Thiết kế lại bộ máy tinh gọn, cơ cấu tổ chức linh hoạt để tuỳ biến khi cần thiết, thiết kế lại hành trình trải nghiệm cho nhân viên, chú trọng chức năng lãnh đạo trong tổ chức, không chỉ đối với người đứng đầu mà với từng người quản lý, cuối cùng, doanh nghiệp cần tạo ra một văn hoá linh hoạt cho tổ chức.
Các lĩnh vực đáng chú ý khi tái mở cửa nền kinh tế
Ông Phạm Đình Đoàn đưa ra một số ví dụ các doanh nghiệp thành công như Saigon Co.op: Hơn 800 điểm bán như Co.opmart, Co.opmart SCA, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife, Co.op Smile đã tăng cường đặt hàng, giao hàng qua điện thoại. Khách hàng chỉ cần chọn danh mục, liên hệ siêu thị (gọi điện trực tiếp/chụp hình gửi qua zalo, viber, tin nhắn…) theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được giao tới nhà, nhờ đó doanh số tăng mạnh.
Hệ thống bán lẻ SATRA: Tập trung thực hiện việc giao hàng nhanh trong ngày, đẩy mạnh bán hàng trong khu vực siêu thị tự chọn qua điện thoại, mạng xã hội. Đơn hàng của siêu thị tăng 3 - 4 lần, doanh số tăng 30% so với ngày thường.
Công ty Tài Kim Anh, chế biến thủy sản chuyển hướng sang hàng giá trị gia tăng, hàng tinh chế ăn liền, bán vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ, áp dụng trang thiết bị, máy móc kỹ thuật, sử dụng năng lượng điện mặt trời. Vẫn đạt được kế hoạch. Năm 2020, dù ảnh hưởng dịch nhưng chế biến XK vẫn tăng đạt 90 triệu USD. Năm 2021, tiếp tục mở rộng quy mô SX, giải quyết việc làm cho 3.000 lao động, phấn đấu kim ngạch XK 110 triệu USD.
Công ty CP May 10: chuyển đổi quy trình SX SP, chuyển đổi nhanh hàng truyền thống sang hàng thích ứng nhanh. Khi gặp khó với hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp...chuyển sang đồ BHLĐ, đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, tăng tỷ trọng áo khoác, áo rét, đồ mặc nhà, khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và XK...để duy trì sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh hầu hết nền kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng và dịch bệnh, ông Đoàn cho rằng, nhiệm vụ của các doanh nghiệp trong giai đoạn này nên thành lập và duy trì một trung tâm chỉ huy khủng hoảng; Hỗ trợ nhân viên và chiến lược; Duy trì tính liên tục trong hoạt động KD và tình hình tài chính; Tăng cường năng lực chuỗi cung ứng; Luôn gắn kết với khách hàng; Tăng cường năng lực về công nghệ và kỹ thuật số; Kết nối với cả hệ sinh thái kinh doanh của công ty.
Ông Đoàn kết luận, "hoàn hảo" được coi là kẻ thù của "Tốt", điều này lại trở nên đặc biệt đúng trong các cuộc khủng hoảng, khi hành động kịp thời mới là điều tối quan trọng.