Doanh nghiệp giữ "tinh thần thép" trước khó khăn
Là lãnh đạo của một doanh nghiệp quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ kiêm Chủ tịch Hội nữ doanh nhân TP.HCM (Hawee) giữ vững tinh thần lạc quan trước dịch Covid-19 như một cách động viên tinh thần cho hơn 7.000 lao động và các thành viên Hội. Theo bà Dung, một khi doanh nghiệp càng đối mặt với khó khăn thì lại càng phải giữ vững tinh thần lạc quan để chiến thắng trên mọi phương diện.
Đối với các công ty vừa và nhỏ, mặc dù đây là thách thức lớn nhưng bà Dung hy vọng các lãnh đạo doanh nghiệp giữ vững tâm lý trong lúc này. Cái khó này không ai tránh khỏi, vấn đề ở chỗ mỗi một doanh nghiệp phải nhận biết được đúng cái khó của mình, đồng thời cũng là lúc rà soát và nhận ra "những cái chưa được của mình" để khắc phục và cải tiến, bứt phá tiến lên. Bởi theo bà Dung, chỉ khi lúc khó khăn thì những điểm yếu mới được bộc lộ rõ nét và là cơ hội để thay đổi. Đây cũng là cơ hội để hình thành các tập quán tốt về vệ sinh cá nhân, nơi làm việc và gia đình...
"Trong "Nguy" luôn luôn có "Cơ". Hãy bình tĩnh để tìm thấy cơ hội cho mình, cho doanh nghiệp. Đây là thời cơ tốt nhất để chúng ta soát xét, nhìn nhận và cấu trúc lại doanh nghiệp, phải có cái nhìn dài hạn hơn, đừng vì khó khăn trước mắt mà bỏ qua những cơ hội đưa doanh nghiệp tiến xa hơn. Hãy lưu ý đã bước vào thời đại công nghệ số, cần có sự thay đổi cho phù hợp. Phần lớn doanh nghiệp (DN) chúng ta đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), tôi tin nếu cố gắng, chúng ta sẽ linh hoạt thay đổi cho phù hợp với sự biến đổi của thị trường.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến trên thế giới ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, một khi đã xuất hiện ở đâu thì cũng khó nhận biết dấu hiệu ban đầu nhưng tốc độ lây nhiễm (âm thầm) rất nhanh. Đến giờ tại Việt Nam chính phủ đã triển khai công tác phòng chống tích cực trên nhiều phương diện, cho đến lúc này có vẻ như chúng ta còn được an toàn. Tuy nhiên kết quả phòng chống có tốt hay không còn phụ thuộc vào ý thức ở mỗi công dân. Do đó tôi mong các bạn chúng ta không vì quá lo lắng mà ảnh hưởng đến cuộc sống từ sinh hoạt cá nhân đến sinh hoạt gia đình và hoạt động xã hội.
Tuy nhiên chúng ta tuyệt đối không được chủ quan mà lơ là việc phòng chống dịch bệnh cho chính bản thân mình, tập thể và cộng đồng", bà Dung cho lời khuyên.
"Cái khó ló cái dở" - Hãy xem đó là cơ hội
Nói về tình hình kinh tế thời gian qua, Chủ tịch PNJ nhận định rằng dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế và sức mua của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp phát huy trách nhiệm xã hội và học hỏi các doanh nghiệp lớn hơn, là lúc các công ty tìm ra ưu và khuyết điểm để cải tiến và tạo ra sự khác biệt.
Khi dịch bệnh tác động xấu đến nền kinh tế, nếu doanh nghiệp nào có sự cải tiến, mới mẻ sẽ dễ được đón nhận và có cơ hội phát triển tốt hơn về sau. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại càng phải nỗ lực hơn trước nhiều lần chứ không nên nản chí, buông xuôi trong lúc này. Tuy nhiên, bà Cao Thị Ngọc Dung cũng chỉ ra điểm yếu cốt lõi của các DN vừa và nhỏ: "Thường làm nhanh, chớp thời cơ nhanh mà không nghĩ đến việc xây dựng nền móng vững chắc". Đây là điểm yếu cần thay đổi càng sớm càng tốt.
"Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ dễ linh hoạt để phù hợp với sự biến đổi của thị trường trong thời điểm khó khăn. Và một điều tối muốn nhắc các bạn là phải quan đến bài toán tài chính trong lúc này, phải tính toán đến từng đồng chi phí, phải sử dụng chi phí hợp lý. Kiểm soát lại các khoản vay, lúc này là lúc không nên để phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính (nên giảm vay vốn để mở rộng kinh doanh). Một khi sức tiêu dùng không có, nền kinh tế sẽ đứng lại và suy thoái. Hãy làm ngay từ lúc này, đừng để nước tới chân mới nhảy.
Chuyện gì rồi cũng sẽ qua đi, với tư duy tích cực, tôi tin là tất cả chúng ta đều mạnh mẽ để vươn lên và vươn xa dù trong bất cứ khó khăn nào. Hãy luôn chia sẻ niềm tin và tràn đầy năng lượng để cùng nhau tiến lên", bà Cao Thị Ngọc Dung cho lời khuyên.