7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Sáng ngày 13/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Phiên họp thường vụ thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, dự thảo gồm 8 chương, 156 điều, và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật.
Theo đó, về những quy định chung, dự thảo bổ sung tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô vào đối tượng áp dụng. Bên cạnh đó, nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm cũng được sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP).
Đáng chú ý, các loại hình bảo hiểm sẽ được chia thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này. Bao gồm, bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm phi nhân thọ; bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc.
Về Hợp đồng bảo hiểm, dự thảo bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận và giải quyết tranh chấp.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bên cạnh đó, đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.
Về tổ chức hoạt động, Luật dự thảo sẽ cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, thuê ngoài đáp ứng điều kiện; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài. Ngoài ra, bổ sung nội dung, nguyên tắc khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đặc biệt, dự thảo bổ sung thêm những quy định mới liên quan đến Bảo hiểm vi mô. Bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô).
Ngoài ra, dự thảo cũng thay đổi và bổ sung những vấn đề về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; bổ sung quy định đối với kiểm toán độc lập, phạm vi kiểm toán độc lập và trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính.
Quang cảnh buổi họp
Quy định về hợp đồng bảo hiểm chưa chú trọng tới người mua
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, thị trường bảo hiểm của chúng ta phát triển nhanh nhưng còn khá thấp so với tiềm năng và so với mặt bằng chung trên thế giới. Vì vậy, điều quan trọng cần hướng tới là sau khi ban hành Luật sửa đổi phải tạo được bước đột phá, cú huých quan trọng cho thị trường bảo hiểm phát triển mạnh hơn.
Xoay quanh vấn đề về hợp đồng bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, bởi lẽ quy định còn nặng về lợi ích và bảo vệ rủi ro cho doanh nghiệp, còn người mua chưa được chú trọng đúng mức. Do đó, ngoài xem xét tính tương thích của hợp đồng cần cân bằng lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng, đảm bảo công bằng, minh bạch.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tổng kết thực tiễn, áp dụng kinh nghiệm quốc tế; tiếp tục rà soát tổng thể, kỹ lưỡng các quy định tại dự thảo liên quan. Các quy định của Luật phải thống nhất nguyên tắc xuyên suốt là bảo vệ quyền lợi cho bên được cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhưng không tạo ra các rào cản, thủ tục hay phát sinh các chi phí không cần thiết gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
"Các loại bảo hiểm được điều chỉnh trong Luật chi phối đến mọi tầng lớp nhân dân nên các điều khoản trong dự thảo Luật cần rà soát kỹ lưỡng đảm bảo rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu không có cách hiểu khác nhau. Trường hợp vừa áp dụng luật này vừa áp dụng luật khác cần quy định cụ thể để dễ dẫn chiếu các luật khác ….", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.