Theo thông tin từ VCCI, ngày 7/10/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Đây là sự quan tâm và động viên to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với giới doanh nhân, doanh nghiệp nước ta trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Hoạt động này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời điểm tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, kỷ niệm 76 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công thương Việt Nam và kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Việc Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ giới doanh nhân vào đúng dịp Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước tới cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua cuộc gặp gỡ chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến môi trường chính sách, môi trường pháp luật của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được báo cáo với Chủ tịch Quốc hội.
Cách đây 17 năm, theo đề xuất của VCCI, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/9/2004 về Ngày Doanh nhân Việt Nam. Theo đó, để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 13/10 hằng năm được lấy là “ Ngày doanh nhân Việt Nam ”.
Ngày 13/10 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt với giới doanh nhân nước ta, bởi vào ngày 13/10/1945 - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới Công thương Việt Nam, bức thư có đoạn “… Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.
Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…”
Ngày 09 tháng 12 năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân”. Đồng thời Nghị quyết cũng nêu mục tiêu “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu”.
VCCI là tổ chức đại diện quốc gia của cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 58-CP ngày 27/4/1963 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Trong 58 năm qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, VCCI cũng luôn có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Bình quân mỗi năm gần đây, VCCI thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ để hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp và xây dựng môi trường kinh doanh tại nước ta, cụ thể như trực tiếp tham gia soạn thảo và góp ý xây dựng hơn 60 dự thảo văn bản pháp luật, tổ chức trên 500 hội nghị, hội thảo về xây dựng pháp luật, chính sách; tổ chức trên 1.500 lớp đào tạo, tập huấn cho trên 80.000 lượt doanh nghiệp; tổ chức đón tiếp và bố trí chương trình làm việc cho trên 350 đoàn với trên 20.000 lượt doanh nhân nước ngoài vào Việt Nam; tổ chức gần 150 đoàn với trên 7.000 lượt doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài khảo sát thị trường tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh; tổ chức gần 600 cuộc hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ tiếp xúc doanh nghiệp với sự tham dự của trên 80.000 lượt doanh nghiệp; cấp hàng trăm ngàn bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O) và các chứng từ thương mại khác…
Trong giai đoạn hiện nay, khi đại dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn thế giới và tại Việt Nam, VCCI đã tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ DN vượt qua đại dịch. Gần đây nhất, ngày 17/9/2021 VCCI đã thành lập Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 để kết nối các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội dong nghiệp cùng hợp sức trong cuộc chiến chống COVID-19. Hội đồng cũng đã cho ra mắt website tại https://covid19.vcci.vn và đặc biệt là đưa vào hoạt động nền tảng tương tác trực tuyến 24/7 (Workplace) để các doanh nghiệp có thể liên tục phản ánh các vấn đề khó khăn gặp phải, các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, địa phương, đồng thời tiếp nhận các hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp từ Hội đồng. Vào ngày 26/9 vừa qua, VCCI và Hội đồng đã tổ chức Hội nghị Thủ tướng gặp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để lắng nghe ý kiến và bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19.
Giao diện nền tảng tương tác trực tuyến VCCI-Workplace
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công , chúng ta đã chuyển trạng thái trong cuộc chiến chống COVID-19, trong môi trường “bình thường mới” thì COVID-19 trở thành một yếu tố không thể tách rời trong hoạt động của các doanh nghiệp, việc chúng ta chấp nhận một “bình thường mới” có nghĩa “bình thường cũ” không còn nữa. Do đó, thực tiễn mới đã hình thành đòi hỏi hệ thống luật pháp, chính sách cũ cũng cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, tránh trở thành điểm nghẽn của quá trình phục hồi sản xuất và kinh tế. Đây cũng chính là điều các doanh nhân, doanh nghiệp mong mỏi được kiến nghị trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Giới doanh nhân kỳ vọng sẽ truyền tải tới Đảng, Nhà nước quyết tâm vượt khó, chung sức đưa kinh tế đất nước bật dậy, làm nền tảng vững chắc cho chiến thắng trên mặt trận y tế, phòng chống dịch. Đồng thời, khẳng định những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đã củng cố niềm tin mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp… vào triển vọng kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội bứt phá trong thời gian tới.