Sáng 18/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững".
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, mọi quyết sách của Quốc hội đều phải sát hợp với thực tiễn Việt Nam và bối cảnh quốc tế, phải dựa trên cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và luận cứ khoa học vững chắc.
Các Diễn đàn kinh tế Mùa xuân, Mùa thu Quốc hội khóa XII, XIII và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 của Quốc hội khóa XV là phương thức rất quan trọng để huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các quyết sách của Quốc hội.
Thành công của Diễn đàn Kinh tế 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn với các thông tin bổ ích, định hướng hay, để phục vụ công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn do hậu quả dịch COVID-19, hiện tượng thời tiết cực đoan, xung đột quân sự Nga - Ukraine... Tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước, khu vực chậm lại.
Ở trong nước, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng: dịch bệnh được kiểm soát; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; hoạt động bán lẻ phục hồi mạnh; xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại xuất siêu gần 4 tỷ USD…
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu tham dự diễn đàn
Làm rõ kết quả thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế
Tuy vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, một số cấu phần của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhất là việc giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; gói hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, cấu phần đầu tư cơ sở hạ tầng (quy mô 113 nghìn tỷ đồng) vốn kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho phục hồi kinh tế, song vừa mới được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua danh mục dự án cuối tháng 8/2022 chủ yếu do chậm trễ, khó khăn trong chuẩn bị đầu tư...
Tình hình giải ngân đầu tư công còn chậm và vẫn là điểm nghẽn, đến hết tháng 8 mới chỉ đạt 39,2%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giải ngân ODA chỉ mới đạt 15% so với kế hoạch; lạm phát tăng chậm lại song vẫn duy trì ở mức cao và áp lực tăng trở lại khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Giá năng lượng cao, chi phí vận tải và các mặt hàng như phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng cũng có thể khiến giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tăng, gây thêm áp lực lạm phát…
“Củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo. Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua có thể nói rằng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến’’ để ứng với “vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế”, ông Vương Đình Huệ cho hay.
Xuất phát từ tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, quyết định lựa chọn vấn đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" làm chủ đề cho Diễn đàn năm 2022 và điều chỉnh tên gọi là Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022, để bảo đảm tính toàn diện và sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
Để đạt được các mục tiêu của Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới; dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn; phân tích, đánh giá những tác động, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, 2023 và giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng kinh tế - xã hội, nhất là tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, dự báo cho cả năm 2022, 2023; tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội…
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá cả mà còn nằm ở việc tháo gỡ những điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt.
Theo ông, tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công liên tục chậm là câu chuyện "dài nhiều kỳ" về sự lãng phí, có tiền mà không tiêu được, có nguyên nhân quan trọng là chưa tháo gỡ được các nút thắt về cơ chế, chính sách, nhất là các thủ tục về giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực thật sự và sự thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm… trong việc triển khai các dự án lớn.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, giải phóng các nguồn lực và mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước cần trở thành cách tiếp cận mới để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh chóng, có nhiều tác động tiêu cực", ông Thắng nêu.