Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế cùng bàn với Bộ Tài chính, nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ để nâng mệnh giá bảo hiểm y tế trong giai đoạn hiện nay lên ở mức phù hợp với khả năng chi trả của người dân cũng như khả năng của ngân sách.
“Đáng lẽ chúng ta nâng từ cuối 2019 của khóa trước, nhưng do khó khăn về ngân sách ta phải để lại sau. Bây giờ ngân sách cũng khó khăn nhưng có thể coi đây như là một gói nằm trong gói kích thích kinh tế. Chúng ta phải mạnh dạn như thế”, ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm: “Cuối tuần này chúng tôi sẽ họp với các bộ tiếp tục bàn phương án để chúng ta có gói linh hoạt về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người dân, cho đơn vị sự nghiệp, để phục hồi và phát triển kinh tế sau này”.
Trước đó, vào cuối tuần trước, khi tiếp xúc cử tri Hải Phòng, ông Huệ cũng từng đề cập thông tin này, cùng nhấn mạnh “Quốc hội chủ động, không ngồi chờ Chính phủ”.
Cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp lắng nghe chuyên gia hiến kế phục hồi kinh tế. Chuyên gia Cấn Văn Lực khuyến nghị Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn.
Theo ông Lực thì nên mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do) với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người với quy mô 29.300 tỷ đồng (khoảng29,3 triệu người, chiếm 53,7% lực lượng lao động là lao động tự do), ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68.
Một số chuyên gia khác cũng nêu ý kiến cần tiếp tục hỗ trợ cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng hơn. Chính sách tài khóa cần hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế, xã hội theo hướng có thể tăng chi cho y tế; hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân; hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có địa chỉ cho doanh nghiệp…
Trước những đề xuất trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ tính toán các biện pháp này.
Bên cạnh gói hỗ trợ mới, trong phát biểu khai mạc phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ sáng 11/10, Chủ tịch Quốc hội còn đề cập một thông tin đáng chú ý khác.
Đó là, trong trường hợp có những nội dung cấp bách, cần thiết nhưng chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng để kịp đưa vào kỳ họp thứ hai của Quốc hội (khai mạc ngày 20/10 tới) thì theo tinh thần để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể báo cáo với Quốc hội, xin phép cho thêm một kỳ họp chuyên đề ngắn theo hình thức trực tuyến vào cuối năm nay.
“Ví dụ như xem xét việc một luật sửa đổi một số luật về đầu tư và kinh doanh hoặc quyết định chủ trương đầu tư một số dự án, chương trình quan trọng quốc gia, cần phải có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng”, ông Huệ nói.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, năm 2020 tổng thu bảo hiểm y tế (BHYT) là 110.395 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 390 tỷ đồng so với năm 2019; trong đó tiền đóng BHYT ước thực hiện là 108.485 tỷ đồng, tăng 301 tỷ đồng so với năm 2019.
Tổng chi cho công tác khám chữa bệnh BHYT năm 2020 là 99.730 tỷ đồng.
Số dư quỹ lũy kế dự kiến là 32.991 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người.
Ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT trên 51 triệu người, chiếm 58% số đối tượng. Tổng số chi NSNN đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng.