Sáng nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 10. Đây là phiên họp dài với nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Dự kiến chương trình phiên họp kéo dài 7,5 ngày làm việc (từ 14/4 đến 26/4).
Phát biểu khai mạc tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Nghị quyết 42 đã mang lại nhiều chuyển biến quan trọng trong xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Song, Chủ tịch Quốc hội cho hay, qua nghiên cứu sơ bộ thì vướng mắc của Nghị quyết 42 chủ yếu ở khâu thực thi.
"Cần làm rõ tổng số nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 là bao nhiêu, đã xử lý được bao nhiêu, còn lại là như thế nào, kể cả nợ xấu nội bảng cũng như nợ xấu trong hệ thống khác, mà nội bảng là phải theo chuẩn mực", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực. Trong đó cần đánh giá kỹ xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan liên quan đến nợ xấu phát sinh, nhất là nợ do ảnh hưởng của Covid-19 và cho vay các dự án BOT, bất động sản, trái phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng. Từ đó mới xem xét cho kéo dài Nghị quyết 42 hay không.
"Nghị quyết 42 này không thể tồn tại mãi được, đã có phương án cho xây dựng Luật Xử lý nợ xấu rồi mà sao vẫn đề xuất kéo dài", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Đề xuất kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu thêm 2 năm
Cũng tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã trình Dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết do tác động của dịch Covid-19, khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Do đó, việc tiếp tục tạo ra hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu là rất cần thiết nhằm khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước.
Theo lý giải của bà Hồng, Nghị quyết 42 chỉ kéo dài 5 năm và sẽ hết hiệu lực thi hành sau ngày 15/8/2022. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết.
Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC) cũng như quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý nợ xấu không được tiếp tục triển khai sẽ không khuyến khích, không huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Việc thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ tổ chức tín dụng, VAMC xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm cũng sẽ kéo dài quá trình xử lý nợ xấu. Các khoản nợ xấu đang xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/NQ14 sẽ chuyển sang việc xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan sẽ gây khó khăn cho tổ chức tín dụng khi tiếp tục xử lý khoản nợ xấu đó, dễ dẫn đến việc phát sinh những tranh chấp giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.
Bên cạnh đó, các khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác (đặc biệt liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu) nếu không được tiếp tục thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Thống đốc cũng cho biết, Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Còn việc xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần tuân thủ trình tự, thủ tục, cần nhiều thời gian và dự kiến đề xuất Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2023. Trong khi, Nghị quyết số 42 sẽ hết hiệu lực thi hành sau ngày 15/8 này.
Vì vậy, để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực thi hành và khi chưa ban hành được Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42.
Về kiến nghị duy trì Nghị quyết 42, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Chính phủ chỉ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến 15/8/2024) nhưng không đề xuất điều chỉnh, bổ sung điều gì.
"Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42 trong 2 năm và đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung 2 nội dung", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ.
Đó là bổ sung phạm vi áp dụng là các khoản nợ được hình thành sau ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực. Đồng thời, bổ sung đối tượng áp dụng các cơ chế xử lý nợ xấu tại Nghị quyết là là Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), trực thuộc Bộ Tài chính, tương tự như VAMC.
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về đề xuất trên của Chính phủ.