Phóng viên: Tôi biết ông đánh giá rất cao Việt Nam. Bây giờ ai cũng nói về họ, báo chí cũng tốn rất nhiều giấy mực cho họ. Người ta ngờ rằng 15-20 năm nữa Việt Nam sẽ trở thành một Trung Quốc thứ hai của thế giới. Nhưng trước khi ông quyết định có đầu tư, ông có lo ngại về những rủi ro của một thị trường mới nổi không? Như là khung pháp lý, tiền tệ,...?
Goodwin Gaw: Tôi nghĩ là chúng tôi không gặp khó khăn nhiều lắm. Chúng tôi có những khoản đầu tư lớn khắp châu Á. Tôi nghĩ nếu chính phủ Việt Nam tiếp tục con đường mà họ đang đi, và quyết liệt trong việc cải thiện chính sách, đất nước này sẽ có phát triển mạnh trong ít nhất là năm đến bảy năm nữa. Họ có khả năng sẽ trở thành thị trường có lợi nhuận lớn nhất.
Tuy nhiên, tôi cũng thấy quy mô thị trường Việt Nam tương đối nhỏ nên cũng sẽ tạo ra một số rủi ro nhất định. Các chính sách sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của thị trường. Nếu Việt Nam để thị trường tự do hơn, thì người ta có thể đầu tư vào Việt Nam mà không phải nghĩ.
Họ có lao động trẻ với giá rẻ, lao động năng suất cao và chăm chỉ nữa. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các nhà máy ở miền Nam Trung Quốc và Quảng Châu đang bị thay thế, bởi vì tiền lương cao đã khiến cho lao động ở các khu vực này trở nên kém cạnh tranh hơn. Thay vì quay trở lại con đường cũ như Malaysia, Indonesia, Thái Lan,... tất cả đến Việt Nam. Đơn giản là vì dân số của họ trẻ và năng suất cao thôi, bạn thấy không?
Xu hướng đó sẽ còn tiếp tục cho dù chính phủ có nhận thức được đầy đủ tiềm năng đó hay không. Thị trường nào thì cũng luôn tồn tại rủi ro, nhưng nếu chính phủ thúc đẩy thị trường tự do vận động theo xu thế thì cơ hội hiển nhiên sẽ đến.
Phóng viên: Đó là vấn đề mấu chốt đúng không? Thị trường tự do?
Goodwin Gaw: Đúng rồi. Tôi nghĩ là Việt Nam đang xem xét kỹ lưỡng những gì Trung Quốc đã đạt được, họ làm điều đó ra sao, và cố gắng học hỏi. Họ cũng đã có một vài bài học từ sự thất bại vài năm trước với lạm phát cao, khủng hoảng ngân hàng và mất giá tiền tệ. Đó là những bài học không dễ chịu chút nào.
Nhưng kể cả trong thời điểm đó tôi vẫn nhìn thấy tiềm năng ở Việt Nam, và chúng tôi đã muốn tiến vào thị trường này, vì nhận thấy sự tự tin của họ. Chính phủ cũng đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu, có một số ưu đãi cho chúng tôi để có thể làm việc với chính phủ cũng như thị trường. Chúng tôi sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy niềm tin của chúng tôi với Việt Nam.
Gia tộc quản lý Quỹ Gaw Capital Partners là dòng họ Gaw, Goodwin Gaw là Chủ tịch và Kenneth Gaw là Tổng Giám đốc Điều hành.
Ngoài việc quản lý quỹ Gaw Capital Partners, gia tộc này còn sở hữu gần 33% Tập đoàn Pioneer Global Group Limited (theo báo cáo năm 2017 của Tập đoàn). Pioneer Global Group được niêm yết tại sàn chứng khoán Hong Kong với giá trị vốn hóa hơn 2 tỉ đô la Hong Kong. Lĩnh vực hoạt động chính của Tập đoàn là đầu tư vào bất động sản, khách sạn và tài chính.
Năm 2015, Gaw Capital từng thực hiện thâu tóm lại một số dự án bất động sản tại Việt Nam từ tay Indochina Land. Theo nguồn tin tổng hợp, các dự án được chuyển nhượng gồm Indochina Plaza Hanoi, Hyatt Regency Danang, Malibu Villas Quảng Nam và dự án Park City Ho Chi Minh. Giao dịch trên được thực hiện qua một quỹ chuyên dụng đặc biệt (Special Created Fund - SCF) được gọi là Gaw NP Capital Vietnam Fund 1.