Sản xuất sợi phục vụ công nghiệp ôtô, hướng tới thị trường Mỹ
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều 29/2, bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc chiến lược Công ty Sợi Thế Kỷ ( HoSE: STK ) cho biết năm 2020 doanh nghiệp dự báo doanh thu thuần tăng 14% đạt 2.541 tỷ đồng trên cơ sở giá bán giữ nguyên và tăng khối lượng bán. Tỷ trọng sợi tái chế (recycle) trên tổng doanh thu tăng từ mức 35% lên 50%. Đến 2025, nếu không tăng công suất thì sợi tái chế chiếm 100%. Lợi nhuận sau thuế tăng 9,4% lên 234,8 tỷ.
Thời gian tới, công ty sẽ vẫn tập trung vào ngành nghề cốt lõi, chú trọng sản phẩm có biên lợi nhuận cao như recycle, recycle+, phát triển thêm sợi màu.
Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu nội địa (bao gồm tiêu thụ nội đại và xuất khẩu nội địa) chiếm 60%, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan chiếm 34%, còn lại các thị trường khác. Năm 2019, công ty có phát triển thêm thị trường Mỹ, bán một số đơn hàng sợi cho công nghiệp ôtô nhưng tác động không lớn.
Ông Đặng Triệu Hòa.
“Ví dụ, mua một cái áo nếu có lỗi thì khách hàng chấp nhận nhưng mua một chiếc xe hơi, nhìn lên trần thấy lỗi chắc không ai chịu được”, ông Hòa ví von.Giải thích thêm về mặt hàng sợi dành cho công nghiệp ôtô, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT chia sẻ quy trình sản xuất không khác loại sợi thông thường nhưng kiểm soát lỗi phải chặt chẽ, không chấp nhận lỗi 1mm.
Năm 2019, Sợi Thế Kỷ khai thác một khách hàng ở Mỹ chuyên cung cấp nội thất cho tất cả các thương hiệu xe hơi lớn, có nhà máy ở Mỹ và Anh. Công ty được chấp nhận là nhà cung cấp và đánh giá cao hơn nhà cung cấp hiện hữu. Nếu không có thay đổi, vào tháng 3 công ty sẽ ký hợp đồng và đơn hàng kéo dài đến cuối năm 2024.
Tuy nhiên, mảng sợi cho ôtô quy mô không lớn nếu so với may mặc, như ở Mỹ khoảng 200.000 tấn/năm. Công ty muốn tăng tỷ trọng sợi ôtô chiếm 20% công suất, trong 2 hoặc 3 năm tới, tức 1.000-1.200 tấn/tháng (hiện 200 tấn/tháng). Giá sợi cho ôtô bán cao hơn sợi bình thường là 20% nhưng đòi hỏi chất lượng rất cao.
Công ty cũng có kế hoạch mở rộng thị trường này ngoài Mỹ như Nhật Bản, EU.
Không lo thiếu nguồn cung do dịch Covid-19
Theo ông Hòa, Trung Quốc xảy ra dịch Covid-19 khiến nguồn cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn ngay nhưng Sợi Thế Kỷ không bị ảnh hưởng. Công ty luôn theo đuổi chiến lược phân tán cả đầu ra lẫn đầu vào, làm việc với nhiều đối tác và khách hàng. Công ty nhập khẩu nguyên liệu từ 4 đến 5 nước trong khu vực châu Á, riêng Trung Quốc chiếm 20-30%. Khi Trung Quốc bị gián đoạn thì tăng nhập khẩu từ Malaysia, Đài Loan. Công ty chỉ trữ hàng tồn kho dùng đủ cho 1 tháng và liên tục nhập hàng.
Chủ tịch Sợi Thế Kỷ nhận định về lâu dài dịch cúm tác động đến nền kinh tế toàn cầu, tổng cầu tiêu dùng giảm do giảm thu nhập. Hiện khách hàng ở Hàn Quốc, Nhật Bản cập nhật chưa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
“Dịch cúm sẽ đi qua nhưng qua sự việc này người mua phải nghiêm túc nhìn nhận lại, tập trung vào một nguồn cung cấp sẽ gặp rủi ro. Do đó, nhiều thương hiệu lớn đã đề ra chiến lược bắt buộc chuyển đơn hàng ra khỏi Trung Quốc theo một tỷ lệ nhất định”, ông Hòa nói.
Các đơn hàng của công ty có cải thiện từ cả khách hàng cũ lẫn khách hàng mới. Doanh nghiệp đã bàn bạc với một số khách hàng để trở thành đối tác hợp tác lâu dài như doanh nghiệp FDI đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, mục tiêu là hình thành chuỗi cung ứng.
“Khi khách hàng đau là giải quyết cái đau cho khách hàng, qua đó có cơ hội hợp tác lâu dài”, ông Hòa chia sẻ.
Thời gian qua Trung Quốc bán phá giá mặt hàng sợi làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp ở quốc gia khác. Ông Hòa cho rằng do dịch bệnh giá sợi tăng nhưng sau khi dịch qua đi, Trung Quốc vẫn tiếp tục bán phá giá sợi do nhận được trợ cấp của nhà nước. Nhiều quốc gia hiện kiện chống phá giá, chống trợ cấp với sợi Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc đi theo chiến lược đầu tư giàn trải để lấy thị phần, sản xuất đại trà, Sợi Thế Kỷ đi theo đường ngách, tạo ra những sản phẩm riêng biệt. Ông Hòa cho biết công ty quá rành về sản phẩm sợi tái chế và đang hứng thú là sợi tái chế màu.