Du lịch là ngành đặc thù là không thể thực hiện "mục tiêu kép" vì gắn liền với di chuyển mà điều này lại là ngược lại với chống dịch. Vậy trong hơn 1,5 năm vừa qua, các công ty du lịch, trong đó có Tập đoàn Thiên Minh làm thế nào để tồn tại?
Việc đầu tiên chúng tôi làm trong vòng 18 tháng qua hay nửa đầu năm nay đó là đảm bảo sự an toàn cho toàn bộ nhân viên, khách hàng.
Thứ hai, chúng tôi đảm bảo rằng có dòng tiền để có thể duy trì hoạt động trong tối thiểu 6 tháng trước mắt. Để làm như thế, chúng tôi đã làm rất nhiều việc, bao gồm vay vốn ở các quỹ đầu tư, ngừng tất cả các dự án mà chưa cần thiết và chỉ ưu tiên duy nhất dòng tiền để có thể trả lương, duy trì thu nhập cho người lao động.
Tiếp theo là duy trì đầu tư vào những khu vực mang tính chiến lược. Một trong số đó là việc xây dựng và chuyển đổi công nghệ, đào tạo. Bên cạnh đó, đầu tư vào tài sản có giá trị cho tương lai. Hiện tại chúng tôi đang tham gia 3 dự án ở các khu trong Quảng Nam, Hòa Bình và Hải Phòng. Đây là những khu vực mà chúng tôi cần phát triển.
Song song với đó, Thiên Minh thoái vốn ở những nơi đã đầu tư có giá tốt trong hiện tại, mà chủ yếu là bất động sản. Điều này sẽ giúp công ty có dòng tiền, trả lương cho nhân viên và duy trì hoạt động.
Sau cùng, chúng tôi vẫn tiếp tục làm tất cả những gì có thể để phục vụ các nhu cầu, tuy rằng nhỏ. Ví dụ những khu vực không có ca nhiễm thì chúng tôi vẫn có thể mở cửa phục vụ. Có nhiều người làm việc không phải đến cơ quan, thì họ vẫn sử dụng khách sạn của chúng tôi để làm nơi làm việc, giúp có tinh thần làm việc cao hơn.
Đấy là 3 định hướng chính của chúng tôi để có thể tồn tại.
Và nếu nhìn về ngắn hạn 6 tháng trước mắt, ông nhận xét ra sao?
Cái khó nhất là không thể nào dự báo được tương lai. Chúng tôi chỉ có thể chia được ra các mục tiêu ngắn hạn, rồi mục tiêu trung hạn, rồi xác định mục tiêu hàng tuần và tạo ra công ăn việc làm để cố gắng sống sót.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn và trong đó có đề cập cụ thể đến các hướng dẫn viên du lịch phải nghỉ việc dài ngày vì dịch. Ngoài hướng dẫn viên, trong ngành du lịch, còn những đối tượng nào được coi là yếu thế khác và cần được hỗ trợ?
Thứ nhất, việc thực thi Nghị quyết 68 nhanh hơn rất nhiều so với các lần trước. Theo quan điểm cá nhân tôi, số lượng người được hưởng và tiếp cận hỗ trợ trong thời gian này quan trọng hơn rất nhiều những rủi ro mà chúng ta có thể vấp phải.
Trong ngành du lịch, hướng dẫn viên cũng không quá nhiều, chỉ ở tầm 20 nghìn và thường là các bạn tốt nghiệp ở trường đại học, thu nhập trước đại dịch cũng cao hơn từ 3-5 lần so với mức thu nhập tối thiểu của Việt Nam. Do vậy, tiền tiết kiệm có thể nhiều hơn một chút so với những người yếu thế khác.
Thực ra, nhóm yếu thế thực sự trong ngành du lịch là những người đang làm việc ở nhà hàng, khách sạn hoặc những người làm vườn, những người bị sa thải vì khách sạn đóng cửa, không kinh doanh nữa. Tôi nghĩ nhóm đấy là nhóm lớn hơn nhiều, có thể lên đến vài trăm nghìn, hay hàng triệu.
Chuyện hỗ trợ trực tiếp là rất quan trọng đối với họ. Phần lớn, khoảng một nửa số đó đã mất việc trong thời gian vừa rồi do doanh nghiệp đóng cửa. Ví dụ như khách sạn đóng cửa phải giảm nhân viên, còn lại thì có thể vẫn có công ăn việc làm nhưng chỉ làm tầm 1/3, ½ công việc. Nếu không, họ phải tự dịch chuyển sang những ngành khác. Ví dụ như lái xe công nghệ, hay đi làm vườn, hay về quê, tham gia công trình xây dựng…
Những nhóm di chuyển này rất đông. Bây giờ, nếu như họ ở trong vùng 19 tỉnh thành bị cách ly, không có thu nhập thì phần lớn tiền tiết kiệm đã được sử dụng trong những đợt dịch trước, họ sẽ cực kỳ cần sự hỗ trợ.
Tuy nhiên, tôi nghĩ việc hỗ trợ lao động gặp khó khăn không nhất thiết phải tập trung đối với một ngành cụ thể nào, mà nên tập trung vào nhóm thực sự yếu thế trong toàn bộ xã hội. Nên tiếp cận được họ càng nhanh càng tốt, chấp nhận một số rủi ro có thể không chi đúng ban đầu, nhưng có thể đến tận tay người lao động trong vòng 7 ngày hay 10 ngày là cực kỳ quan trọng.
Còn việc hỗ trợ với doanh nghiệp của Nghị quyết 68 thì sao?
Tôi nghĩ Nghị quyết 68 có điểm mạnh lớn nhất là việc thực thi hiện tại rất nhanh và tốt. Nhưng với hỗ trợ cho doanh nghiệp thì quan điểm của tôi vẫn là không nên hỗ trợ tất cả, mà tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tốt. Cách chọn nên căn cứ vào đóng góp về thuế của doanh nghiệp cho ngân sách năm 2019.
Ông đánh giá như thế nào về việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành du lịch hiện nay?
Trong ngành du lịch, khoảng 90% là doanh nghiệp là DNVVN. Phần lớn các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng cực kỳ nhiều và họ rất cần được hỗ trợ. Thực chất, trong ngành du lịch, người ta không thể nào phát triển theo hướng mà chỉ có vài doanh nghiệp lớn được. Chúng ta không thể nào chỉ có vài cụm du lịch.
Về hỗ trợ, đầu tiên, phải đảm bảo có hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp tốt. Ngay cả Nghị quyết 68 vừa rồi và các quyết định từ trước tới nay, tôi cho rằng vẫn với mục đích cố gắng giữ tất cả doanh nghiệp, cả tốt và không tốt.
Nhưng thực tế mà nói, chúng ta cần giữ doanh nghiệp tốt. Tốt ở đây là sản phẩm tốt, tính sáng tạo tốt và đóng góp đầy đủ, minh bạch cho hệ thống thuế và BHXH của Nhà nước.
Theo ông, cơ chế hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp du lịch tốt như thế nào sẽ hợp lý?
Để hỗ trợ dòng tiền, tôi nghĩ rằng cách mà Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đang đề nghị với Chính phủ là hợp lý. Đó là cho phép các doanh nghiệp tốt có quyền vay, được bảo lãnh bằng số tiền mà họ nộp cho ngân sách trong năm 2019. Đây là một giải pháp rất căn cơ, cần thiết. Bởi vì đấy là một chỉ số rất tốt nói lên độ minh bạch và hiệu quả của một doanh nghiệp tại thời điểm 2019.
Không phải mọi người đều vay, nhưng họ sẽ cảm thấy an tâm. Tương lai 12 tháng sau, chắc chắn nhu cầu bị dồn nén quay trở lại sẽ nhiều lên. Từ đó doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, giữ người giỏi, đầu tư vào công nghệ. Vì vậy cho vay bằng số tiền doanh nghiệp nộp trong năm 2019 là giải pháp rất căn cơ.
Tôi hy vọng đề xuất này sẽ được Chính phủ phê duyệt càng sớm càng tốt. Vấn đề ở đây là giữ các doanh nghiệp tốt tồn tại.
Cái thứ hai để việc doanh nghiệp tốt tồn tại là cần có chỉ tiêu được giao trong tương lai rõ ràng, dựa trên các chỉ số an toàn. Nền tảng của du lịch là sự di chuyển, thế nên khi chúng ta đạt được ngưỡng tiêm vaccine tầm 70% toàn dân, không còn chủng mới lây nhiễm cao, thì có thể mở cửa. Đấy là một cách rất tốt và căn cơ để doanh nghiệp nhìn vào đó, họ có thể nhìn thấy tương lai nhất định.
Tôi nghĩ chính sách mở cửa thử nghiệm những vùng như Phú Quốc, Hội An, Quản Nam, Vân Đồn… khi đã tiêm vaccine trên 70% toàn dân là có thể thực hiện và nên để các chính quyền địa phương có quyền thử nghiệm. Những thông tin đó rất minh bạch, giúp doanh nghiệp nhìn thấy tương lai, họ sẽ yên tâm hơn, tiếp tục giữ gìn người tốt, tiếp tục đầu tư.
Theo ông, điều gì có thể giúp Việt Nam tự tin vượt qua đợt dịch thứ 4 này dù diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp và kể từ 24/7, Hà Nội cũng áp dụng Chỉ thị 16?
Quan trọng nhất vẫn là vaccine. Nếu chúng ta có đủ vaccine, tiêm đủ trên 70% người dân và càng sớm càng tốt thì đấy là chiến lược căn cơ nhất. Trong quá trình đó, trước khi vaccine tiêm đủ, tôi nghĩ rằng cái trụ cột trước kia chúng ta đã làm tốt để ngăn bệnh, ví dụ như xét nghiệm rồi truy vết, cách ly… cần phải được tiếp tục.
Nhưng ưu tiên về điều trị cũng rất quan trọng, bởi chúng ta cần giữ nguồn lực để còn điều trị cách bệnh khác. Tỷ lệ tử vong do các bệnh khác có thể tăng cao khi chúng ta không còn nguồn lực điều trị do phải tập trung quá lớn vào Covid-19.
Vài tháng tới sẽ còn khó khăn hơn, nhưng sau 6 tháng nữa thì tình hình sẽ tốt hơn nhiều.