6 tháng đầu năm, GDP tăng trưởng 5,64%, còn các doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung ra sao?
Du lịch chắc chắn đang là ngành bị hy sinh nhiều nhất trong đợt dịch lần này. Bởi nền tảng của du lịch là sự di chuyển, mà trong giai đoạn dịch thì toàn bộ hoạt động di chuyển phải dừng lại.
Nhìn chung, ngành du lịch không chỉ bị ảnh hưởng trong 6 tháng đầu năm nay, mà còn bị toàn bộ trong vòng 18 tháng qua. Nếu nhìn vào lượng khách quốc tế đến Việt Nam đợt đầu năm thì đã giảm khoảng 98% so với cả năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng ta không có khách quốc tế.
Khách nội địa thì như mọi người đều biết, chúng ta có hai kỳ nghỉ quan trọng: nghỉ hè và nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng đúng đợt Tết Nguyên đán vừa rồi lại bùng phát đợt dịch thứ 3. Đến mùa hè, vào kỳ nghỉ 30/4 – 1/5 thì lại đợt dịch thứ 4.
Lượt tìm kiếm liên quan đến du lịch cũng đã giảm ở các nền tảng. Ngày 14/7 là đã giảm đến 82%. Tham gia vào ngành này đã 25 năm, đây là thời điểm xấu nhất của ngành du lịch mà tôi từng thấy.
Các công ty du lịch thì khoảng 80% đóng cửa, 85% nhân viên bị ảnh hưởng hoặc giảm lương. Điều này cũng đồng nghĩa với hàng triệu người mất việc, hoặc bị sụt giảm thu nhập rất nhiều.
Nhóm người trong ngành có mức thu nhập thấp, lao động phổ thông hoặc chuyên môn không cao, phải chuyển sang ngành khác như nông nghiệp, tài xế xe công nghệ hoặc xây dựng, khoảng 500 – 600 nghìn người… Trong một vài tháng tới, tình hình sẽ còn khó khăn hơn nhiều.
Với diễn biến mới của dịch Covid-19, các dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng năm 2021 thay đổi rất lớn. Hiện tại, anh còn quan tâm đến các dự báo này hay không?
Với tôi, các dự báo ít có giá trị trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng, ngay cả khi tất cả doanh nghiệp trong ngành du lịch, gồm Thiên Minh bị ảnh hưởng trầm trọng nhất và nhiều tháng tới cũng rất khó khăn, chúng tôi vẫn tự tin hơn rất nhiều so với trước đây.
Tự tin bởi có định hướng về chiến lược lấy vaccine là ưu tiên số 1 của Chính phủ. Đây là định hướng cực kỳ quan trọng. Tôi nghĩ nếu chúng ta có hành động càng sớm càng tốt, có thể mang về đủ lượng vaccine để tiêm cho khoảng 70% dân số thì Việt Nam hoàn toàn có thể mở cửa.
Hiện tại, với các con số mà chúng ta nhìn thấy, tôi nghĩ rằng, vào khoảng cuối năm nay, các lượt vaccine về Việt Nam sẽ đủ để tiêm cho đến 70% dân số tại các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế lớn.
Tôi nói chuyện với người bạn là CEO của tập đoàn du lịch hàng đầu của Mỹ, anh ấy cho biết, du lịch đã phục hồi trong vòng 3-4 tháng gần đây. Tại Mỹ, đi lại trong nước đã phục hồi hoàn toàn. Tour ở các khu vực xung quanh Mỹ như Mexico, hay Hawaii đã kín và giá rất cao.
Trong 12 tháng tới, chúng ta cũng có hy vọng được tương tự như vậy.
Sau hơn 1 năm rưỡi phải chống chọi với cơn đại hồng thuỷ Covid-19, đặc biệt là 6 tháng đầu năm rất khó khăn vừa qua, anh đón nhận tin TP. HCM phải áp dụng Chỉ thị 16 và sau đó là 18 tỉnh khác, ra sao?
Tập đoàn Thiên Minh có rất nhiều khu du lịch, trải nghiệm ở phía nam, nhất là trong 19 tỉnh phải giãn cách xã hội do Chỉ thị 16. Hàng nghìn nhân viên từ TP. HCM đến Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang… đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Chỉ thị 16.
Tuy nhiên, là một người từng làm trong ngành y, tôi hiểu rằng quyết định giãn cách là rất cần thiết, khi tỷ lệ lây lan của dịch bệnh có thể giảm mạnh. Không gì có thể bù đắp được những thiệt hại về con người. Do vậy, Thiên Minh ủng hộ 100% chính sách đó.
Chiến lược vaccine cũng là chiến lược cực kỳ đúng đắn. Bởi chỉ khi chiến lược này thành công, Việt Nam mới có thể mở cửa. Điều quan trọng nhất của doanh nghiệp trong các vùng dịch là cố gắng để tồn tại, vượt qua được khó khăn trong thời gian mấy tháng tới và đảm bảo rằng người lao động được hỗ trợ.
Vậy một kịch bản tích cực về du lịch Việt Nam có thể xảy ra vào cuối năm hoặc trong 12 tháng tới là gì?
Thực ra kịch bản tích cực có nghĩa là chúng ta cần có một năng lực điều trị tốt, dù chưa cần sử dụng đến: sẵn sàng điều trị ở mức chục nghìn hay vài chục nghìn ca nhiễm, và không xảy ra tình trạng như Ấn Độ hay Indonesia. Kịch bản đấy tôi nghĩ chúng ta có thể làm được, vì hệ thống y tế cơ sở của chúng ta rất tốt, gồm cả kinh nghiệm mà chúng ta có được trong thời gian 18 tháng qua.
Kịch bản tốt nhất và hoàn toàn có thể xảy ra được là Việt Nam sẽ khống chế được đợt dịch lần thứ 4 này ở thời điểm phù hợp, và cho phép mở cửa nhiều hơn. Chính quyền sẽ cho thử nghiệm tại các địa điểm quan trọng đối với cả du lịch cũng như đầu tư.
Ví dụ như mở cửa Phú Quốc, Quảng Nam, Đà Nẵng, hay Quảng Ninh với hình thức thử nghiệm, số lượng giới hạn từ 3 – 6 tháng. Số lượng mở cửa thử nghiệm có thể là 20.000 – 50.000 khách du lịch, hoặc đầu tư, cho phép mở cửa cho Việt kiều, vì chúng ta có 5 triệu người Việt Nam đang không thể về thăm gia đình được…
Quan trọng nhất là khi đạt được ngưỡng trên 60 triệu người tiêm vaccine, thì chúng ta có thể mở cửa toàn bộ. Tôi tin rằng nhu cầu bị dồn nén rất cao, cộng với việc có nhiều người đang muốn được chi tiêu, sẽ tạo ra động lực rất tốt để tăng trưởng nhanh vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Như vậy ngành du lịch sẽ phục hồi. Tôi tin tốc độ phục hồi sẽ cao hơn nhiều và đến nhanh hơn so với cả chúng ta dự báo.