Ngày hôm nay, thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giang gây xôn xao dư luận. Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trường hợp này khá giống với tình huống của Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong. "Thái tử" Samsung hồi tháng 9/2020 bị truy tố vì tội thao túng chứng khoán và vi phạm quy định diễn ra từ 5 năm trước.
Theo đó, sự kế vị của Jae-yong sau cơn đau tim của cha đã được đảm bảo bởi một vụ sáp nhập vào năm 2015, trong đó Cheil Industries, một công ty thời trang và công viên giải trí mà Lee là cổ đông lớn nhất, tiếp quản Samsung C&T, một chi nhánh xây dựng. Điều đáng nói là, C&T có cổ phần lớn nhất trong Samsung Life Insurance - công ty có cổ phần lớn trong "viên ngọc quý" của Samsung: Samsung Electronics.
Nhưng các công tố viên lập luận rằng các điều khoản sáp nhập, theo đó một cổ phiếu Cheil được định giá bằng gần ba cổ phiếu C&T, đã bị thao túng để trao cho Lee Jae-yong quyền kiểm soát C&T, và cuối cùng là đế chế Samsung. Lee không có cổ phần nào trong C&T trước khi sáp nhập.
Vụ sáp nhập chịu trách nhiệm một phần cho sự sụp đổ của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, người bị bỏ tù vì tội hối lộ vào năm 2017. Lee đã trả 8,7 tỷ won hối lộ cho một người quen của Park để đổi lấy ảnh hưởng chính trị với Quỹ hưu trí quốc gia - cổ đông chính của Samsung C&T, theo phán quyết của tòa phúc thẩm Seoul vào năm ngoái.
Ông Lee đã phải ngồi tù 19 tháng, trong hai giai đoạn, do kết quả của các cáo buộc hối lộ, trong khi bà Park phải ngồi tù hơn bốn năm. Bà đã được Tổng thống Moon Jae-in ân xá vào đêm Giáng sinh năm 2021.
Tuy nhiên, ông Lee có thể trở lại tù tùy thuộc vào kết quả của cuộc điều tra hiện tại, vốn đã chứng kiến 8 giám đốc điều hành của Samsung bị kết tội và 3 người bị bỏ tù cho đến nay.
Tổng cộng, 11 giám đốc điều hành, bao gồm cả Lee, đang bị điều tra về hành vi thao túng giá cổ phiếu và gian lận kế toán tại các công ty Samsung vào năm 2015, điều mà các công tố viên tin rằng là yếu tố quan trọng đối với kế hoạch của Lee để kế nhiệm cha mình làm chủ tịch Samsung. Hiện ông Lee vẫn là phó chủ tịch, chờ đợi cho đến khi vụ án bắt đầu diễn ra.
Các luật sư của Lee từ Kim & Chang, công ty luật hàng đầu của đất nước thì nói rằng thỏa thuận không có gì khác ngoài một "hoạt động kinh doanh bình thường" nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa các chi nhánh.
"Ông Lee đã nỗ lực đảm bảo sự sự thừa kế ngai vàng của mình với chi phí thấp nhất, củng cố quyền kiểm soát của ông ta. Chúng tôi quyết định buộc tội ông ta dựa trên việc xem xét tới những tội danh đáng kể gây ra sự xáo trộn đối với thị trường chứng khoán", theo Lee Bok-hyun – một công tố viên cao cấp tại Văn phòng công tố Seoul nói.
Vị công tố viên này cũng nói rằng ông Lee chính là người chấp thuận để những sai phạm kế toán tại Samsung Bilogics – một chi nhánh thuốc của Samsung C&T xảy ra như một phần kế hoạch củng cố quyền lực của ông tại tập đoàn. Ông Lee là cổ đông lớn nhất tại Samsusng C&T – công ty con thuộc tập đoàn Samsung với 17,33% cổ phần.
Hiện tại, "thái tử" Lee vẫn đang phải làm việc với phía toà án mỗi tuần về cáo buộc thao túng giá chứng khoán và gian lận kế toán, trong một cuộc chiến pháp lý cao trào với các công tố viên Hàn Quốc. Tờ Nikkei nhận định, thất bại trong cuộc chiến pháp lý lần này có thể đồng nghĩa với sự sụp đổ của cả một triều đại.
Trường hợp của Lee là một phần của cuộc khủng hoảng kế vị gia đình làm nổi bật sự vướng mắc chặt chẽ và đôi khi gây tranh cãi của chính trị và các tập đoàn của Hàn Quốc, được gọi là chaebol.
Nguồn: Nikkei