Du lịch là một trong những ngành bị tổn thương nhiều nhất trong đại dịch Covid-19. Nếu dịch bệnh kéo dài, khủng hoảng tài chính xảy ra mà vắc-xin chưa được điều chế thành công thì doanh nghiệp sẽ làm gì để sống sót?
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện du lịch Việt Nam trong tọa đàm trực tuyến "Đã đến lúc ngành du lịch tìm được hướng đi trong trạng thái bình thường mới". Tọa đàm diễn ra ngày 1/8.
3 cách thoát hiểm của du lịch khi dịch bệnh kéo dài
Theo ông Trần Trọng Kiên, trong hoàn cảnh như trên, cơ hội duy nhất cho doanh nghiệp là phục vụ nhu cầu nội địa dù nhu cầu này cũng đã giảm rất nhiều. Với Thiên Minh, ông Trần Trọng Kiên đưa ra 3 cách thoát hiểm.
Thứ nhất, giảm chi phí. Có một số cách để giảm chi phí như hạn chế đầu tư dài hạn vì hoạt động này đòi hỏi giữ vốn lâu. Với Thiên Minh, công ty đã cắt giảm 5 dự án, trong đó có dự án đầu tư liên doanh khách sạn. Dự án này có từ 3 năm trước, định triển khai trong năm 2020 nhưng phải dừng lại. Dự án hãng hàng không Cánh Diều cũng sẽ chậm trong vòng 2 năm.
Chi phí tiếp theo bị cắt giảm là lương. Hội đồng quản trị không nhận lương hoặc lương chỉ còn 10 đến 20% cho đến năm 2021.
Bên cạnh đó, Thiên Minh cũng tìm cách "gộp" các nhóm tài sản với nhau để giảm bớt nhân sự quản lý.
Thứ hai, thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp. Thiên Minh đã biến tài sản của mình thành nơi kinh doanh phục vụ người dân địa phương. Nhà hàng, quán cà phê, phòng tập, bể bơi… đều trở thành những địa điểm phục vụ người dân địa phương.
Thứ ba, nghĩ ra mô hình kinh doanh mới sử dụng nguồn lực vốn có. Tháng 4, Thiên Minh chuyển hướng bán thực phẩm tươi sống cho người dân. Khi người dân ở nhà, không muốn ra ngoài, tập đoàn đã kết hợp với các đơn vị giao hàng để tiếp cận với khách hàng.
Bên cạnh đó, Thiên Minh còn kết hợp với ngân hàng, để khách hàng mua lương thực trong vòng 6 tháng mà không cần trả tiền trước…. Thay đổi mô hình giúp doanh nghiệp sống sót trong thời gian dài hơn.
Theo ông Kiên, với những công ty nhỏ ở những nơi quy mô kinh tế nhỏ, việc tạo ra các sản phẩm đặc thù, giá cả phải chăng để phục vụ khách nội địa là một cách làm rất ý nghĩa. Khách nội địa không phải là những người có mức chi trả thấp. Họ chỉ chưa biết hết các sản phẩm độc đáo, khác biệt - vốn là "đặc sản" của các khách sạn hạng sang để phục vụ du khách.
Ông Kiên từng đi tới nhiều vùng của đất nước. Ông nhận thấy có nhiều sản phẩm có thể biến đổi thành những sản phẩm bền vững, sẽ tạo ra sức cạnh tranh tốt khi kết hợp với chuỗi phân phối của các tập đoàn có dữ liệu khách hàng lớn.
“Bản thân tôi thấy rất khó khăn khi phải chuyển đổi công việc của 600 - 700 người hoặc để họ hưởng mức lương thấp hơn nhiều, hoặc tạm ngưng hợp đồng... Trong 26 năm qua, đây là thời gian cực kỳ khó khăn của tôi”, ông Kiên nói.
Chỉ mở cửa du lịch khi có vắc-xin
Một câu hỏi được đặt ra là liệu có thể mở cửa du lịch quốc tế giống như nhiều quốc gia Trung Đông? Ông Trần Trọng Kiên cho rằng, theo quan điểm của Chính phủ, an toàn cho người dân Việt Nam là điều quan trọng nhất. Trong thời gian trước mắt, theo ông, Chính phủ sẽ không mở cửa cho du lịch .
Cách đây khoảng 1 tháng, có ý kiến rằng Úc, Nhật, Hàn an toàn nhưng sau đó mức độ rủi ro về Covid-19 lại rất lớn. Theo ông Kiên, cách tốt nhất để mở cửa du lịch quốc tế là tuyệt đối không lây nhiễm qua cộng đồng. Và chỉ an toàn khi mở cửa du lịch quốc tế khi có vắc-xin phòng chống Covid-19 .
Sự thay đổi lớn trong xu hướng du lịch : Gần gũi thiên nhiên và chú trọng giá trị về môi trường hơn
Theo ông Trần Trọng Kiên, bên cạnh một số xu hướng du lịch chưa tốt thì sau dịch bệnh, người Việt chú trọng nhiều đến môi trường. Thực tế, nhiều người Việt rất chú trọng đến chuyện các cơ sở lữ hành có tôn trọng môi trường không, có xả thải ra môi trường không…
Bên cạnh đó, xu hướng nổi lên là du lịch gần gũi thiên nhiên. Các sản phẩm của Thiên Minh như Victoria Sapa và nhiều sản phẩm khác kín khách trong 3 tuần trước. Càng xa trung tâm, càng dân dã thì càng có nhiều người quan tâm…
Theo ông, vẫn tồn tại nhóm sản phẩm hời hợt, không quan tâm đến thiên nhiên, môi trường nhưng đó không phải là xu hướng đại diện cho du lịch Việt.
"Không phải tất cả người Việt đi du lịch đều hời hợt mà rất nhiều người sẵn sàng trải nghiệm với chi trả cao. Nếu động viên, quảng bá xu hướng bảo tồn thiên nhiên và đóng góp cho cộng đồng thì ngày càng có nhiều sản phẩm du lịch tốt. Phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm là điều cần sự cố gắng chung" - Chủ tịch Thiên Minh khẳng định.