Chủ tịch tỉnh yêu cầu chủ đầu tư báo cáo vấn đề báo Dân Việt phản ánh
Sau phản ánh của báo Dân Việt về tình trạng, dự án Đường giao thông từ hồ Định Bình đến trung tâm xã Vĩnh Sơn (huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định) dài gần 40 km, tổng mức chi phí xây dựng 190 tỷ đồng, mặc dù đang thi công, chưa bàn giao nhưng nhiều đoạn đã xuất hiện loạt vết nứt hai bên đường. Nhà thầu buộc phải "xới tung", đục bỏ lớp bê tông cũ làm lại.
Tình trạng nứt đường, buộc phải đục lớp bê tông cũ để làm lại, xuất hiện nhiều nhất tại gói thầu đứng tên Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành, do Công ty TNHH Xây dựng Thuỷ Dương nhận thi công.
Về nguyên nhân gây nứt đường, đã xảy ra "tranh cãi" giữa các nhà thầu tham gia thi công dự án trên.
Cụ thể, ông Trần Văn Thuỷ - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thuỷ Dương xác nhận, công ty ông nhận lại thi công khối lượng với chiều dài 4km, từ gói thầu của Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành.
Công ty TNHH Xây dựng Thuỷ Dương cung cấp vật liệu và ký hợp đồng thuê gia công trộn bê tông tại trạm trộn của Công ty CP Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thạnh (tại huyện Vĩnh Thạnh), để thi công dự án.
Sau khi thi công, đã xuất hiện tình trạng mặt đường bê tông bị nứt, nhà thầu buộc phải đục bỏ lớp bê tông cũ và thi công lớp mới.
"Cái này không phải do chất lượng bê tông có vấn đề, vì mặt đường rất đẹp và không có chuyện bị loang, rổ. Vào mùa mưa năm ngoái, một số đoạn khi thi công nhưng bê tông chưa đủ tuổi, chưa chết hẳn thì phương tiện của Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc (chở vật liệu thi công dự án) có trọng tải 30-40 tấn đi qua, dẫn đến tình trạng nứt đường", ông Thuỷ nói lý do.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Hiếu Ngọc, lại phản pháo về nguyên nhân gây nứt đường.
Ông Hiếu cho rằng, nói nguyên nhân do phương tiện của công ty ông gây nứt đường, là hết sức vô lý. Vì xe đầu kéo của công ty chạy đúng tải trọng, đi đường đèo không dám chở nặng và ông cam kết, không bao giờ chở quá tải.
"Phương tiện công ty tôi chở vật liệu chiều lên, còn chiều xuống đi xe không, nếu nói do xe đầu kéo gây ra nứt đường, thì chỉ nứt 1 bên đường thôi, còn đằng này đường bê tông xuất hiện tình trạng nứt cả 2 bên. Cũng chạy trên cùng một tuyến đường, tại sao đoạn đường còn lại không xảy ra tình trạng bị nứt. Nguyên nhân gây ra tình trạng nứt đường, cần phải xem lại, không phải lỗi của phương tiện công ty tôi", ông Hiếu đề nghị.
Ông Tô Tấn Thi - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho rằng, tại vị trí đường bê tông bị nứt, vào mùa mưa năm ngoái đoạn đường bị đọng nước, rãnh thoát nước kết nối, vẫn chưa thi công xong.
Dẫn đến tình trạng nước không thoát được gây ngập úng, khiến nền đường bị bão hoà nước. Đường thi công, chỉ đổ bê tông một nửa vì nửa còn lại phải để cho xe lưu thông. Tuy nhiên, toàn bộ xe chở gỗ, xe tải trọng nặng di chuyển, ép lên trên đường bê tông mới đổ khiến nền đường không chịu nổi, dẫn đến tình trạng bê tông bị nứt.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã yêu cầu ông Tô Tấn Thi – Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, báo cáo cụ thể tình hình, sau phản ánh của báo Dân Việt.
"Ban Quản lý dự án cũng đã có yêu cầu chấm điểm các doanh nghiệp xây dựng, để đánh giá", ông Phạm Anh Tuấn cho hay.
Theo Luật sư Nguyễn Sương - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng, dự án Đường giao thông từ hồ Định Bình đến trung tâm xã Vĩnh Sơn (huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định), thuộc dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM), do UBND tỉnh Bình Định quyết định đầu tư.
Do đó, UBND tỉnh Bình Định là cơ quan có thẩm quyền quyết định và tổ chức thẩm định dự án tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình lập dự án, thiết kế, thi công nếu thấy cần thiết theo hướng dẫn tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP và Thông tư 50/2015/TT-BGTVT.
Trong trường hợp này, UBND tỉnh Bình Định cần thiết phải quyết định và tổ chức thẩm định an toàn giao thông đối với dự án để có thể kiểm tra hiện trường.
Xác định, đối chiếu, phát hiện các vấn đề tiềm ẩn mất an toàn (có xét đến sự ảnh hưởng thời tiết, điều kiện dân cư, tập quán) để có giải pháp xử lý kịp thời, trước khi công trình giao thông được bàn giao.
"Ngay cả khi dự án xây dựng công trình đường bộ đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng cũng phải có trách nhiệm lập kế hoạch và thực hiện việc bảo trì công trình đường bộ cho đến khi bàn giao cho cơ quan quản lý theo Thông tư 37/2018/TT-BGTVT", luật sư Nguyễn Sương cho hay.
Vẫn theo luật sư Nguyễn Sương, theo quy định tại Khoản 8 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2014 và hết hiệu lực vào ngày 01/01/2024) thì hành vi chuyển nhượng thầu bị cấm, cụ thể là "Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết" hoặc "Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng".
Do đó, việc Công ty TNHH Xây dựng Thuỷ Dương nhận lại khối lượng từ Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành để thi công có được coi là chuyển nhượng thầu hay không thì còn phải xem xét đến thỏa thuận giữa các bên và giá trị của phần công việc chuyển giao.
"Trong sự việc này, để xảy ra hư hỏng thì trách nhiệm trước tiên thuộc về doanh nghiệp là nhà thầu. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm theo thỏa thuận tại hợp đồng đã được ký kết với chủ đầu tư và theo quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ đầu tư cũng cần tổ chức thẩm định, thẩm tra nhằm có phương án xử lý, khắc phục kịp thời để tránh những rủi ro về sau", luật sư Nguyễn Sương cho biết.
Dân Việt đã thông tin, Đường giao thông từ hồ Định Bình đến trung tâm xã Vĩnh Sơn (huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định), thuộc dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM), do Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, làm chủ đầu tư.
Đơn vị trúng thầu dự án là liên danh Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Hiếu Ngọc, Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703.
Dự án có chi phí xây dựng 190 tỷ đồng, tiến độ thực hiện xây lắp từ ngày 15/3/2023 đến 15/3/2025. Giá trị đã thực hiện đến nay, đạt khoảng 155 tỷ đồng.
Thế nhưng, thời gian gần đây, người tham gia giao thông trên tuyến đường này bất ngờ chứng kiến cảnh nhiều đoạn đường mới làm xong, lại bị xới tung bề mặt để làm lại. Điều này, dấy lên nghi ngờ về chất lượng công trình.