Nói không ngoa, Đồng Tháp đang là một tấm gương nổi bật về phát triển khởi nghiệp tại Việt Nam. Sau 3 năm hợp tác với Quỹ SVF cộng với những nỗ lực của bản thân, họ có một hệ sinh thái khởi nghiệp được đánh giá là mạnh nhất nhì trong hơn 54 tỉnh thành.
Trong khi nhiều tỉnh thành vẫn còn mày mò đi những bước đầu trong việc ươm tạo hệ sinh thái, như mở ra các lớp truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên, thì Đồng Tháp đã qua giai đoạn đó rất lâu. Như đánh giá của SVF, Đồng Tháp đang đứng ở giai đoạn cuối của giai đoạn II – phát triển hệ sinh thái; mà trong năm 2019 họ đã có tới 46 sự kiện để hỗ trợ giới khởi nghiệp.
Trong đó, có những sự kiện chuyên sâu như ‘Bàn tròn chuyên gia’ hay các lớp về học làm CEO. Sau các lớp CEO, doanh nghiệp của các học viên tham gia tăng đến 50% doanh số. Chiến lược mà Đồng Tháp đi rất rõ ràng: chú trọng phát triển các tài năng khởi nghiệp.
"Cả hệ thống chính trị của Đồng Tháp đều tham gia xây dựng – thúc đẩy khởi nghiệp. Ví dụ như UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, nhằm đồng hành, hướng dẫn và tháo gỡ mọi vướng mắc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức nhiều điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ thiết kế bao bì, xúc tiến tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước cho các startup.
Và, trong khuôn viên UBND tỉnh, chính tôi cũng bố trí nhiều không gian kết nối – làm địa điểm tổ chức các hoạt động khởi nghiệp. Đây là ý tưởng của riêng tôi, sau khi sửa chữa lại Uỷ ban. Vì anh em chúng tôi bận rất nhiều việc, cũng như SVF cũng cần không gian để giảng dạy, nên ý tưởng xây dựng nhiều phòng ban ở Uỷ ban cho khởi nghiệp là rất hợp lý. Tôi cũng muốn có nhiều startup của tỉnh trưởng thành từ những nơi này", ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ nguyên do vì sao hệ sinh thái của tỉnh lại lớn mạnh như thế.
Đồng Tháp và SVF đang tiến hành ký kết hợp tác chiến lược cho 5 năm tiếp theo.
Ông cũng kể nhanh về tiến trình 3 năm đồng hành cùng SVF: Trong những ngày đầu, SVF cùng tỉnh đã tạo ra rất nhiều chương trình truyền cảm hứng và năng lượng tích cực đến đông đảo học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, hội nông dân.
Qua các chương trình ươm tạo khởi nghiệp, chương trình tăng tốc khởi nghiệp từ SVF – Đồng Tháp, đã giúp tỉnh phát hiện những nhân tố mới, phát triển các ý tưởng kinh doanh thành những dự án khởi nghiệp. Rồi từ đó tạo nên nhiều dòng sản phẩm mới, tiếp cận các kênh bán hàng hiện đại, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các nông sản của tỉnh Đồng Tháp.
Với sự kích hoạt của các loại chương trình, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp do SVF đề sướng, đã góp phần hình thành cộng đồng khởi nghiệp cho Đồng Tháp, với tinh thần kết nối, sẵn sàng hướng dẫn – hỗ trợ - dẫn dắt các dự án khởi nghiệp cùng phát triển.
"Gần đây, chúng tôi còn ghi nhận nhiều ý tưởng khởi nghiệp mới trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, như dự án phát triển du lịch cộng đồng, dự án ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, cũng nhiều dự án đạt các giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp - như dự án chế biến snack từ da cá tra đạt giải 3 Cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia. Đó là những kết quả bước đầu đáng trân trọng trong hành trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trên quê hương Đồng Tháp.
Chúng tôi luôn khát khao trở thành 1 địa phương hàng đầu về khởi nghiệp và với sự đồng hành của SVF, phong trào khởi nghiệp đã thật sự lan tỏa khắp tỉnh. Tuy nhiên, Đồng Tháp vẫn còn ít dự án khởi nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp – 1 thế mạnh của Đồng Tháp. Điều này đã thôi thúc chúng tôi, tiếp tục cùng với quỹ khởi nghiệp SVF, tiếp tục ký kết thoả thuận hợp tác, triển khai tiếp tục hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại địa phương, giai đoạn 2020 – 2025", ông Nguyễn Văn Dương nêu vấn đề.
Với nguồn lực và mạng lưới chuyên gia mà SVF có, họ kỳ vọng, sự hợp tác này sẽ góp phần phát triển các dự án khởi nghiệp đi vào chiều sâu thay vì chiều rộng như hiện nay. Trong 5 năm tới, định hướng của Đồng Tháp là muốn tăng hàm lượng công nghệ, tăng tính mới và yếu tố sáng tạo trong các dự án khởi nghiệp tại địa phương.