Nghị quyết đặt mục tiêu năm 2020 phấn đấu môi trường kinh doanh theo xếp hạng EoDB của Ngân hàng thế giới (WB)) lên 10 bậc; năng lực cạnh tranh theo xếp hạng GCI 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)) lên 5 bậc; đổi mới sáng tạo theo xếp hạng GII (của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO)) - lên 3 - 4 bậc; Chính phủ điện tử (của Liên Hợp Quốc (UN)) lên 10 - 15 bậc.
7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Nghị quyết nêu rõ 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Một, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019.
Hai, các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.
Ba, tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh.
Bốn, cải cách thực chất các các quy định về điều kiện kinh doanh.
Năm, tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Sáu, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Bảy, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Lùi thời hạn nộp lệ phí môn bài
Với nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, Bộ Tài chính được giao trong quý 1/ 2020 kiến nghị sửa đổi Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài theo hướng lùi thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài vào ngày 30/1 của năm kế tiếp.
Bộ này cũng được giao giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục đặt in/ tự in hóa đơn và thông báo phát hành đảm bảo đúng thời hạn 4 ngày theo quy định (trong đó thủ tục đặt in/ tự in hóa đơn là 2 ngày; thông báo phát hành là 2 ngày); đối với thủ tục mua hóa đơn đảm bảo giải quyết ngay trong ngày; đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Hệ thống thông tin khai trình lao động trực tuyến kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hoàn thành trong quý 4/ 2020.
Nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, không phù hợp nhằm rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường, hoàn thành và trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/ 2020.
Bộ Xây dựng được yêu cầu rà soát lại quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép và thanh tra, kiểm tra xây dựng không quá 50 ngày. Nghiên cứu, đề xuất áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động đầu tư xây dựng nhằm giảm số lượng các cuộc kiểm tra, số lần phê duyệt; hoàn thành trong quý 3/2020 cũng là nhiệm vụ Bộ này phải thực hiện.
Tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch
Về tiếp cận tín dụng, Chính phủ giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp duy trì chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch.
Bộ Tư pháp trong quý 4/2020 hoàn thành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định hướng dẫn các quy định của Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch bảo đảm, trong đó hoàn thiện các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán… theo hướng đơn giản hóa quy định về hồ sơ và thực hiện triển khai đăng ký, sửa đổi, bổ sung, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm theo phương thức trực tuyến...
Về đăng ký tài sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề nghị, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình gắn liền với đất, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đăng ký quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành; hoàn thành trong quý 2/2020.
Cải cách thực chất điều kiện kinh doanh
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019.
Đáng chú ý là phải công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hoá; hoàn thành trong tháng 1/2020.
Nghị quyết yêu cầu Bộ Tư pháp tăng cường chất lượng thẩm định ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh trong các dự thảo luật, nghị định bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư và các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh, nghị quyết nêu rõ.
Tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ đến hết năm 2020, thực hiện đầy đủ các cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành (danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành tính tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15/ 5/2018). Trong quý 1/2020 công bố công khai, đầy đủ trên trang thông tin điện tử của bộ quản lý chuyên ngành về danh mục với mã HS tương ứng kèm theo bảng so sánh danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước và sau khi cắt giảm.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu khác của nghị quyết là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác băng tần 2.6GHz triển khai mạng 4G cho các doanh nghiệp viễn thông theo đúng quy định của pháp luật.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money), thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, hoàn thành trong quý 4/2020.