Ngày 18/3, tại Báo cáo tại hội nghị UBND Tp.HCM phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Sở đã có tờ trình gửi UBND TP về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc Tp.HCM) giai đoạn 2021-2030. Đây là một trong 51 đề án trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tp.HCM lần XI về những nội dung cần thực hiện giai đoạn 2021-2030.
Nói về đề xuất này, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ phải báo cáo lại đề án chuyển đổi từ 5 huyện sang quận. Trước hết, Sở phải hoàn chỉnh đề án sau khi Thường vụ Thành ủy góp ý và Ban Chấp hành cho ý kiến. Sau đó, Sở tiếp tục trình lại cho Ban cán sự Đảng UBND TP xem qua rồi thành phố mới xem xét phê duyệt.
Chủ tịch UBND Tp.HCM cũng nhắc nhở việc đưa tin không khéo về chủ đề này vì sẽ tác động rất mạnh mẽ đến giá đất, ảnh hưởng đến BĐS và đời sống người dân.
"Đây chưa phải đề án được phê duyệt và nó có lộ trình hẳn hoi. Làm không khéo, người ta sẽ lợi dụng thông tin này để đẩy giá đất lên, gây khó khăn cho thị trường BĐS của thành phố", ông Phong cảnh báo.
Lãnh đạo thành phố cũng nhắc nhở việc chuyển huyện lên quận phải căn cứ tiêu chí, có quy hoạch đàng hoàng và thể hiện trong đề án.
Chia sẻ về câu chuyện này mới đây, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cũng cho rằng, thông tin đề án 5 huyện lên quận có thể xảy ra tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị một cách ồ ạt; BĐS tăng giá bất thường. Bởi trước đến nay, mỗi khi xuất hiện thông tin khu vực nào được nâng cấp lên quận, giá đất tại khu vực đó lại sốt nóng làm cho thị trường bất ổn, điển hình như TP.Thủ Đức.
"Khi giá đất tăng cao, vấn đề đền bù, bồi thường, giải tỏa và chi phí đầu vào để phát triển dự án cũng tăng theo. Từ đó dẫn đến việc các chủ đầu tư chỉ chú trọng vào phân khúc nhà ở trung cấp trở lên mà bỏ ngỏ phân khúc nhà ở vừa túi tiền (căn hộ dưới 30 triệu đồng/m2 hiện tại gần như đã biến mất)", ông Hoàng nhấn mạnh.