Từ trước, trong và sau khi tỷ lệ này được thông qua đã có nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ này quá thấp, do vậy sẽ hạn chế khả năng phát triển, hạ thấp sức cạnh tranh của TP so với các TP khác trong khu vực và thế giới.
Theo thống kê, năm 2018 TP thu 378.543 tỷ đồng ngân sách, như vậy con số được giữ lại sẽ tương đương 68.000 tỷ. Năm 2019 TP được giao thu khoảng 399.000 tỷ đồng, như vậy nếu đạt yêu cầu TP sẽ được giữ lại 71.000 tỷ.
Khi chỉ còn 1 năm nữa là đến hạn theo Nghị quyết của Quốc hội, TP.HCM đang ra sức vận động nhằm thay đổi tỷ lệ điều tiết trên. Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ cuối năm ngày 22/10 Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục chỉ đạo việc này.
“Sở Tài chính cần làm việc với Ban kinh tế Trung ương về tỉ lệ phân chia ngân sách. Những năm vừa qua đã giảm từ 23% xuống còn 18%, cơ sở nào để ở mức 18% chưa ai giải thích được” – ông Phong nói.
Do vậy ông yêu cầu các đơn vị “kỳ này làm đề án cụ thể”, từ đó có cơ sở thực tế để báo cáo với Ban Kinh tế Trung ương nhằm kiến nghị tỷ lệ phân chia hợp lý hơn, từ đó tạo điều kiện cho TP phát triển.
“Nhìn lại tất cả các thành phố lớn trên thế giới hiện nay, thì tỷ lệ phân chia ngân sách giữa trung ương và địa phương thấp nhất cũng là 30%, chứ không phải như chúng ta – chỉ 18%” – ông Phong nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 2/10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu khẩn trương thực hiện việc này, bởi theo ông “thành phố đang có cơ cấu tài chính công chưa hợp lý”.
“Chúng ta đã thấy được vấn đề này nhưng chưa sửa được, hiện nguồn vốn vẫn hạn chế cho phát triển. Chúng ta thu ngân sách lớn nhưng giữ lại chỉ 18% thôi, và phải chờ hết 2020 khi báo ra Đại hội Đảng rồi Quốc hội, mới có thể sửa được tỉ số này” – ông Nhân cho hay.