Chủ tịch UBCK: Nhà đầu tư cần tin vào sức bền của TTCK Việt Nam, tránh bán tháo không cần thiết

10/03/2020 09:53
Thị trường chứng khoán Việt Nam và nhiều nước giảm mạnh trong phiên đầu tuần do chịu tác động từ nhiều tin tức xấu hội tụ. Dòng tiền đầu tư khi gặp biến cố có thể tạm thời co cụm, nhưng khi mọi việc đã ổn trở lại, sẽ luôn tìm tới những nơi an toàn và có khả năng sinh lời cao. Việt Nam là điểm sáng.  UBCK đang đề xuất giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ áp dụng cho giai đoạn trước mắt.

Phiên giao dịch 9/3, chỉ số VN-Index giảm 55,95 điểm, tương đương 6,28% và đóng cửa tại 835,49 điểm, thấp nhất từ tháng 11/2017. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng đã có những chia sẻ về diễn biến tiêu cực của thị trường. 

- Ông đánh giá như thế nào về phiên giảm điểm ngày 9/3?

Cũng như nhiều thị tường chứng khoán (TTCK) các nước đặc biệt là khu vực châu Á, thị trường Việt Nam phiên 9/3 đã điều chỉnh giảm mạnh ngay từ đầu và giảm thêm trong phiên giao dịch buổi chiều.

Điểm đáng quan tâm là thanh khoản của thị trường đã tăng khá mạnh, đạt gần 6.500 tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết. Điều này chứng tỏ vẫn có dòng tiền mua vào bắt đáy các cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng, nhưng giá trị bán ròng trong phiên không quá lớn, khoảng 230 tỷ đồng.

Nhìn chung, việc thị trường của Việt Nam phiên đầu tuần giảm là cùng chung với diễn biến chung của TTCK thế giới. Chúng tôi cho rằng, việc thị trường điều chỉnh mạnh trong phiên 9/3 là khó tránh khỏi, bởi phiên này trùng với “điểm rơi của nhiều tin xấu hội tụ”. TTCK được ví là hàn thử biểu của nền kinh tế, nên khi có nhiều thông tin bất lợi tới nền kinh tế toàn cầu hay có sự cố bất thường (ở đây là dịch bệnh) thì sẽ phản ứng ngay tức thì.

- Điểm rơi của nhiều tin xấu hội tụ mà ông nhắc tới, cụ thể là những nguyên nhân gì?

- TTCK giảm điểm mạnh do trùng với điểm rơi của nhiều tin xấu cùng xuất hiện. Đầu tiên là giá dầu thế giới giảm và có thời điểm giảm đến 30%, mạnh nhất từ năm 1991, chạm tới đáy đầu năm 2016 ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần.

Nguyên nhân chính do OPEC không đạt được thỏa thuận với các đồng minh trong phiên họp cuối tuần qua liên quan đến việc cắt giảm sản lượng. Điều này đồng nghĩa với việc vào ngày 1/4/2020 tới đây khi thỏa thuận hiện hành hết hiệu lực, các nước sẽ được tự do quyết định sản lượng dầu thô.

Chủ tịch UBCK: Nhà đầu tư cần tin vào sức bền của TTCK Việt Nam, tránh bán tháo không cần thiết - Ảnh 1.

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng. Ảnh: NDH

Arab Saudi tiên phong cho biết sẽ hạ giá bán và tăng sản lượng, nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến giá. Nước này công bố sẽ giảm giá bán chính thức vào tháng 4/2020 và đang chuẩn bị tăng sản lượng trên mức 10 triệu thùng/ngày. Arab Saudi đang bơm 9,7 triệu thùng/ngày, nhưng có khả năng tăng vọt lên tới 12,5 triệu thùng/ngày.

Trước các diễn biến trên, ngân hàng Goldman Sachs đã dự báo giá dầu Brent năm 2020 sẽ tiếp tục giảm sâu về mức 20 USD/thùng.

Sáng 9/3, Chính phủ Nhật Bản đã công bố số liệu kinh năm 2019 với kết quả xấu hơn dự báo, làm gia tăng lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, đặc biệt trong bối cảnh tác động ngày càng nặng của dịch Covid-19. Theo số liệu vừa được công bố, tăng trưởng GDP quý IV/2019 của Nhật Bản giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh hơn con số sơ bộ (6,6%) công bố trước đó và mạnh nhất từ năm 2009.

Đặc biệt hơn, không đợi đến cuộc họp thường kỳ tháng 3 như thông thường (17/3), ngày 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm khẩn cấp 0,5 điểm % lãi suất. Theo đó, 65% giới đầu tư nhận định Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất ở mức 0,75 điểm % trong cuộc họp ngày 17/3. Nếu nhận định này đúng thì đây là mức cắt giảm lịch sử trong nhiều năm qua (giảm 1,25 điểm % trong vòng 1 tháng) và đưa lãi suất điều hành về mức 0,25% - 0,5%/năm. Điều này dấy lên lo ngại về suy giảm kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu.

Dòng tiền đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các loại tài sản an toàn như trái phiếu và vàng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Trong đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm lần lượt giảm xuống dưới mức 0,5%/năm và 1%/năm. Giá vàng chạm đỉnh mới, cao nhất trong 7 năm.

Như vậy, dòng thông tin tiêu cực với yếu tố chính là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ngay lập tức tác động mang tính cộng hưởng không tốt tới tâm lý của giới đầu tư toàn cầu.

Với Việt Nam, độ mở cao của nền kinh tế, những thông tin trên không thể không gây ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK. Việc giảm điểm trong phiên đầu tuần có lẽ được nhiều chuyên gia, nhà đầu tư dự báo trước. Nguyên nhân chính và trực diện nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khi số bệnh nhân dương tính với Covid-19 tại Hà Nội tăng nhanh, sau đó tiếp tục xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới ở một số tỉnh thành khác trong những ngày cuối tuần. Đây là yếu tố tiêu cực mang tính bất thường, nên tác động tới tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường, khiến xuất hiện việc bán tháo và giảm điểm mạnh.

- Din biến dịch Covid-19 chắc chắn sẽ còn phức tạp và tác động tiêu cực tới TTCK. Về phía cơ quan quản lý, ông đánh giá thế nào?

Trước mắt, dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường và có tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và TTCK quốc tế nói riêng. Các nước lớn, nhất là các nước bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách để đối phó với tác động của dịch và kích thích tăng trưởng kinh tế. Liều lượng và tác động của các chính sách sẽ được đưa ra.

Tôi cho rằng, việc Việt Nam có thêm các ca nhiễm Covid-19 mới là điều bất lợi cho nền kinh tế và TTCK nói riêng, nhưng với quyết tâm lớn của Chính phủ, người dân, cộng với khả năng, kinh nghiệm của Việt Nam, dịch bệnh này sẽ sớm được kiểm soát.

Nhìn một cách tổng quan, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, thì với nội lực của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta vẫn có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng tăng trưởng kinh tế khả quan. Phân tích trên tương quan toàn cầu, dòng tiền đầu tư khi gặp biến cố có thể tạm thời co cụm, nhưng khi mọi việc đã ổn trở lại, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những nơi an toàn và có khả năng sinh lời cao.

Chủ tịch UBCK: Nhà đầu tư cần tin vào sức bền của TTCK Việt Nam, tránh bán tháo không cần thiết - Ảnh 2.
Chủ tịch UBCK: Nhà đầu tư cần tin vào sức bền của TTCK Việt Nam, tránh bán tháo không cần thiết - Ảnh 3.

Diễn biến thị trường trong phiên 9/3. Nguồn: SSI.

Việt Nam chúng ta có nền tảng vĩ mô tốt, có lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do cũng như xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện cho phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Chúng tôi cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm sáng khi dịch bệnh sớm muộn cũng sẽ được kiểm soát.

Những tổn thương của doanh nghiệp trong đại dịch lần này là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trong trung hạn, gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa của Chính phủ chắc chắn sẽ phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp sớm vực lại sức sản xuất kinh doanh. Chúng tôi tin rằng, với nỗ lực quyết tâm của Nhà nước, sự hợp sức đoàn kết của người dân, dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi, nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng sẽ ổng định tăng trưởng trở lại.

Chính vì vậy, chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của TTCK Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết.

- Vậy với riêng TTCK, đâu là giải pháp để hỗ trợ nhà đầu tư và thị trường vượt đại dịch lần này, thưa ông?

Trước những ảnh hưởng tiêu cực hiện hữu của dịch Covid-19, UBCKNN sẽ tiếp tục điều hành TTCK theo quan điểm “tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết”. UBCKNN và các đơn vị sẽ tăng cường theo dõi giám sát các diễn biến của thị trường để kịp thời đưa thông tin chính thống, minh bạch cho thị trường, trấn an tâm lý nhà đầu tư; xử lý nghiêm những hành vi thao túng, trục lợi do dịch bệnh hoặc tung tin đồn thất thiệt để trục lợi.

Ngày 4/3 vừa qua, UBCKNN cũng đã lần đầu tiên tổ chức họp trực tuyến kết nối 2 đầu cầu Hà Nội và TP HCM, cùng đại diện lãnh đạo hai Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, đại diện lãnh đạo các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… để họp bàn tìm giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư và thanh khoản thị trường vượt qua đại dịch Covid-19. Cuộc họp đã ghi nhận nhiều ý kiến góp đề xuất của các thành viên thị trường. Nhiều ý kiến đã được chúng tôi ghi nhận, trong đó có những giải pháp có thể báo cáo Bộ Tài chính để triển khai sớm, nhưng cũng có những ý kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán (sửa đổi) sắp tới.

Trong phạm vi thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành chứng khoán và cho nhà đầu tư, trong đó có giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ áp dụng cho giai đoạn trước mắt.

UBCK sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đề ra theo kế hoạch, trong đó chú trọng các về tuyên truyền, xây dựng kịch bản chủ động tổ chức giao dịch toàn thị trường kể cả trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp theo hướng gia tăng về mức độ giao dịch và giám sát giao dịch trực tuyến.

- Cảm ơn ông.


Chủ tịch UBCK: Nhà đầu tư cần tin vào sức bền của TTCK Việt Nam, tránh bán tháo không cần thiết - Ảnh 4.
  

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
52 phút trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
35 phút trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
48 phút trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
2 giờ trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
2 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Mì tôm thanh long nhận vốn triệu USD, nhà sản xuất muốn thu 2.000 tỷ đồng
22/10/2024 09:28
Mì thanh long đã tiêu thụ hơn 3 triệu gói mì sau chiến dịch “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”, các nhà sáng lập tham vọng thu 2.000 tỷ đồng năm 2026.
Nữ đại gia đứng sau chuỗi cafe Katinat sở hữu khối tài sản "khủng" cỡ nào?
13/09/2024 05:42
Theo tìm hiểu của PV, thành công của chuỗi Katinat có sự đóng góp không nhỏ của nữ doanh nhân Trương Nguyễn Thiên Kim - vợ Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt.
VNG bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh
07/09/2024 08:54
Sáng nay (7/9), VNG đã thông báo bổ nhiệm ông Kelly Wong - phó Tổng giám đốc VNG làm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh.
Lộ diện ông trùm đứng sau Black Myth: Wukong: Sở hữu công ty giá trị tỷ đô, lọt danh sách 30 Under 30” của Forbes
05/09/2024 08:40
Cuối cùng, nhân vật đứng sau tựa game đình đám Black Myth: Wukong cũng đã lộ diện.