Theo Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 17/3, thế giới ghi nhận 182.368 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Trong đó có 7.144 ca tử vong và 78.342 ca bình phục.
Chứng khoán toàn cầu vẫn "đỏ lửa" vì Covid-19, Phillipines đóng cửa thị trường tài chính
Chiều hướng diễn biến phức tạp của dịch bênh Covid-19 đang gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu. Với diễn biến dịch ngày càng phức tạp, nhiều nước trên toàn thế giới tiếp tục đóng cửa biên giới, hạn chế tụ tập đông người, kiểm soát chặt nhập cảnh và yêu cầu cách ly nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona gây ra đại dịch Covid-19, như Tây Ban Nha, Ba Lan, Pháp, Czech và Đức đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới; Mỹ đã cấm nhập cảnh với toàn bộ châu Âu; Ả Rập Saudi, Đài Loan, New Zealand và nhiều nước cũng đã có những hạn chế chặt chẽ với khách quốc tế.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khẩn cấp gói hỗ trợ kinh tế rất mạnh, sử dụng tổng hợp các công cụ khác nhau gồm: Cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 0 – 0,25%; Áp dụng chương trình nới lỏng định lượng (QE) thông qua việc mua 700 tỷ USD trái phiếu chính phủ và chứng khoán được thế chấp bằng nhà ở; Hạ lãi suất cho vay chiết khấu từ 1,5% xuống còn 0,25% và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc về 0% từ 26/3/2020.
Gói hỗ trợ chính sách của FED được đánh giá là mạnh chưa từng có, vượt cả mong đợi của dư luận, lại được đưa ra trước thời điểm dự kiến hai ngày (dự kiến là thời điểm 17/3), khiến nhà đầu tư thêm lo ngại về tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu. Ngay sau đó, các chỉ số hợp đồng tương lai của Dow Jones, Nasdaq và S&P500 và của châu Âu đều giảm rất mạnh, trên 4%. Đây là tín hiệu rất rõ cho thấy khả năng rất cao thị trường cơ sở sẽ không thoát khỏi tình cảnh tương tự.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đêm qua lại có một phiên giảm điểm lịch sử. Dow Jones giảm 2.997,1 điểm, tương đương 12,93%, xuống 20.188,52 điểm. S&P 500 giảm 324,89 điểm, tương đương 11,98%, xuống 2.386,13 điểm. Nasdaq giảm 970,28 điểm, tương đương 12,32%, xuống 6.904,59 điểm. Phố Wall phải tạm ngừng giao dịch 15 phút không lâu sau khi mở cửa do S&P 500 bị bán tháo, giảm 8%, vượt ngưỡng kích hoạt "cầu chì" 7%.
Đây là phiên giảm mạnh nhất của S&P 500 kể từ "thứ Hai đen" hồi tháng 10/1987, bất chấp việc FED hạ lãi suất vè cận 0, lần hạ lãi suất khẩn cấp thứ hai trong chưa đầy hai tuần và ngay trước cuộc họp chính sách định kỳ ngày 17 – 18/3.
Các thị trường châu Á cũng không ngoại lệ, khi kết thúc phiên giao dịch 16/3, hầu hết các TTCK như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, ... đều giảm điểm đỏ lửa và giảm điểm rất mạnh. Đặc biệt, Phillipines đã quyết định đóng cửa thị trường tài chính: giao dịch chứng khoán, trái phiếu và tiền tệ sẽ tạm dừng cho đến khi có thông báo mới.
Tại thị trường chứng khoán trong nước phiên giao dịch sáng hôm nay 17/3, VN-Index bị đẩy sâu xuống vùng 720 điểm ngay đầu phiên sáng nay đã kích thích dòng tiền bắt đáy nhập cuộc mạnh, kéo chỉ số này trở lại ngưỡng 740 điểm khi tạm nghỉ trưa.
Hành động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Đánh giá về thị trường chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng cho rằng, "Theo đánh giá của chúng tôi, các gói giải pháp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa của Mỹ và các nước là cần thiết.
Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất quá mạnh và tuyên bố trong tình trạng khẩn cấp, không theo lịch trình họp định kỳ đang làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Do vậy, tình hình TTCK thế giới nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng trong những ngày tới khả năng sẽ có những biến động lên xuống đan xen với tần suất khá lớn.
Về trường hợp Phillipines đã quyết định đóng cửa thị trường tài chính, ông Trần Văn Dũng cho hay: "Phillipines có tính đặc thù. Do tác động của dịch Covid-19, chính quyền nước này đã có lệnh phong tỏa nhiều thành phố, trong đó có việc hạn chế giao thông bằng tàu điện ngầm. TTCK nước này buộc phải đóng cửa do nhân sự ngành chứng khoán phải nghỉ do dịch bệnh lan rộng".
Còn với TTCK Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Trần Văn Dũng cho biết, UBCKNN sẽ tiếp tục điều hành TTCK theo quan điểm: "Tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết".
"Nhìn một cách tổng quan, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, thì với nội lực của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta vẫn có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.
Việt Nam có nền tảng vĩ mô tốt, có lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do cũng như xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện cho phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài,... Chúng tôi cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm sáng khi dịch bệnh sớm muộn cũng sẽ được kiểm soát", ông Dũng nhấn mạnh.
Thực thế những ngày qua cho thấy, cùng với sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, chính quyền các tỉnh, thành cả nước trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, thì Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã vào cuộc bằng việc giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp, giảm lãi suất điều hành, lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp. UBCKNN tin rằng, với nỗ lực quyết tâm của Nhà nước, sự hợp sức đoàn kết của người dân, dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi, nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng sẽ ổn định tăng trưởng trở lại.
Chính vì vậy, "trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư tiếp tục vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của TTCK Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết" – Chủ tịch UBCKNN nói.
Liên quan đến phản ánh của thành viên thị trường cho rằng một số quy định giá dịch vụ áp dụng cho TTCK phái sinh đang ở mức cao, ông Trần Văn Dũng thông tin, theo chức năng nhiệm vụ, việc xem xét sửa đổi Thông tư 127/2016/TT-BTC sẽ do Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát, đánh giá các khoản thu để trình bộ xem xét, quyết định trong trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, "trong điều kiện cần có giải pháp chính sách kịp thời để hỗ trợ thành viên thị trường và nhà đầu tư đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBCKNN đã trao đổi thống nhất với hai Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính cho phép điều chỉnh một số loại giá dịch vụ liên quan đến TTCK.
"Hiện, Bộ Tài chính đã đồng ý về mặt chủ trương việc sẽ giảm giá một số dịch vụ chứng khoán theo đề xuất của UBCKNN. Trước mắt sẽ giảm 4 loại giá dịch vụ trên TTCK phái sinh tại VSD về mức hợp lý. Các loại giá dịch vụ khác trên thị trường chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét và xin ý kiến Bộ chỉ đạo thực hiện khi cần thiết, nhằm hỗ trợ kịp thời nhất cho nhà đầu tư và thị trường" – ông Trần Văn Dũng cho biết và nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBCKNN, việc giảm giá dịch vụ trong bối cảnh hiện nay hợp lý và cần thiết để hỗ trợ thị trường, góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Cũng theo ông Trần Văn Dũng, để hỗ trợ kịp thời nhất cho thị trường và nhà đầu đầu tư, việc soạn thảo và ban hành Thông tư sửa đổi về việc giảm giá dịch vụ chứng khoán lần này sẽ thực hiện theo thủ tục rút gọn. Vì vậy, Thông tư này sẽ được ban hành sớm nhất, có thể là trong tuần này và có hiệu lực ngay kể từ ngày ký.