Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Văn Dũng trong phiên thảo luận đầu tiên của Diễn đàn M&A lần thứ 10 năm 2018 do Báo Đầu tư và AVM Việt Nam tổ chức, đánh giá, từ khi có thị trường chứng khoán hoạt động M&A ở sôi động hơn. Hầu hết các thương vụ M&A đều có bóng dáng hoặc có liên quan đến các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trong thời gian qua, FED đã tăng lãi suất và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang làm thị trường chứng khoán châu Á có những diễn biến trái chiều. Nhưng chúng tôi tin rằng, với quyết tâm và ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, thực tế các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Namtrong 6 tháng đầu năm 2018, dự báo cho cả năm 2018 và 2019 đang rất ổn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển bền vững, ổn định và là môi trường tốt cho hoạt động M&A.
Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đã có sự cải thiện rõ rệt. Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II/2018 cao hơn cùng kỳ năm trước và cao hơn quý I/2018. Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước đang niêm yết trên thị trường chứng khoán nằm trong diện Nhà nước thoái vốn đang hoạt động hiệu quả. Vì vậy tôi cho rằng đây sẽ là yếu tố thúc đẩy hoạt động M&A trong thời gian tới.
Năm 2018 – 2019 có thể xem là 2 năm Chính phủ thực hiện quyết liệt nhất trong chương trình cổ phần hóa và thoái vốn. Trong 127 doanh nghiệp trong danh sách cổ phần hóa từ năm 2017 – 2020 , năm nay có 64 doanh nghiệp, năm sau 24 doanh nghiệp. Như vậy, hầu hết doanh nghiệp trong danh mục cổ phần hóa tập trung ở năm 2018 – 2019.
Kế hoạch cổ phần hóa có thể thay đổi một chút, nhưng quyết tâm rất lớn. Còn về cách bán, Chính phủ đã thông tin rõ ràng số lượng bán, địa chỉ bán, tỷ lệ bán. Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu phương thức bán đấu giá, ngoài bán thông qua sàn giao dịch còn tham khảo thêm phương thức book building (phương pháp dựng sổ). Phương thức book building kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá.
Với nghị định 60, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài là không hạn chế, trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trừ các hiệp định quốc tế. Luật pháp Việt Nam đã trao lại quyền quyết định tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cụ thể cho Đại hội đồng cổ đông. Chính điểm này làm cho một số ngành nghề trong cùng một doanh nghiệp nhưng ấn định tỷ lệ tham gia nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài khác nhau và tạo ra sự khó hiểu trong diễn giải luật.
Vì vậy, Chính phủ có chủ trương trình Quốc hội cho sửa Luật Chứng khoán , mục tiêu thông qua trong năm 2019. Dự kiến trong tháng 9, UBCKNN sẽ lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó có nội dung về tỷ lệ tham gia nắm giữ cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài.