Bên lề Hội nghị Triển khai Phát triển Thị trường chứng khoán 2019, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chia sẻ về các nhiệm vụ trong năm nay và vấn đề phí phái sinh vừa được áp dụng.
- Có ý kiến cho rằng việc áp 3 loại phí mới sẽ khiến nhà đầu tư “chùn bước” tham gia thị trường phái sinh, quan điểm của ông về vấn đề này?
- Theo tôi, việc áp phí là tất yếu, vì các hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) và Trung tâm lưu ký (VSD) cần có kinh phí để hoàn tiền đầu tư. Đây là chuyện bình thường.
Giai đoạn đầu chúng ta khuyến khích thị trường phát triển nên miễn phí. Đến nay thị trường đã phát triển đến một mức độ và tương đối ổn định nên cơ quan chức năng bắt đầu áp phí. Trong quá trình xây dựng các mức phí UBCKNN đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tính toán rất kỹ các điều kiện của Việt Nam, lấy ý kiện rộng rãi tất cả các thành viên của thị trường. Vì vậy, dù còn có nhiều ý kiến khác nhau nhưng đa số các ý kiến đều đồng thuận. Nếu không có đồng thuận thì không thể ban hành các văn bản pháp luật.
Chúng ta phải có phí để đúng với bản chất và thông lệ quốc tế. Còn mức đó là cao hay thấp thì phải chờ một thời gian thực hiện thì chúng ta mới có thể biết được. Lúc bấy giờ, cơ quan quản lý sẵn sàng lắng nghe các thành viên thị trường để có điều chỉnh phù hợp.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN. Nguồn: Lao Động.
- Sau khi áp phí, thanh khoản phái sinh đã giảm, đây có phải là phản ứng của thị trường?
- Tôi cho rằng khi áp phí có thể sẽ ảnh hưởng đến giao dịch nhưng đó không phải là lý do chính dẫn đến việc giảm thanh khoản phái sinh. Vì chúng ta thấy thị trường phái sinh đặc thù là bảo hiểm rủi ro (hedging) và một phần là đầu cơ. Vì thế nó sẽ hoạt động sôi nổi khi thị trường cơ sở biến động mạnh. Thời gian qua, thị trường cơ sở khởi sắc, giao dịch phái sinh sôi động nhưng không có đột biến và vài phiên giảm. Kỳ vọng thời gian tới sẽ trở lại.
Triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo
- Ông có thể chia sẻ nhiệm vụ trọng tâm của UBCKNN năm 2019?
- Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, UBCKNN sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là hoàn thiện Luật Chứng khoán, đưa ra thảo luận Quốc hội kỳ 1 vào tháng 5 và kỳ 2 vào tháng 10 để thông qua. Thứ hai là thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo đề án Thủ tướng đang xem xét trong thời gian sớm. Thứ ba là thành lập Sở GDCK Việt Nam trên cơ sở tái cấu trúc 2 sở Hà Nội và TPHCM theo Đề án 32 đã được phê duyệt. Thứ tư là triển khai được một số sản phẩm mới, trọng tâm là hợp đồng tương lai (HĐTL) trái phiếu Chính phủ và chứng quyền có bảo đảm.
Bên cạnh đó, năm nay, UBCK sẽ phải thực hiện các giải pháp đồng bộ trong thanh tra giám sát trên thị trường chứng khoán, xây dựng thị trường phát triển bền vững.
- Với mục tiêu nâng hạng thị trường, chúng ta cần thực hiện những nội dung nào?
- Việc nâng hạng của chứng khoán đang tiến triển rất tốt. Năm 2018, FTSE Russell đã đưa thị trường Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ cận biên lên mới nổi cấp 2. Thời gian tối thiểu xem xét là 1 năm. Chúng ta có thể hy vọng được nâng hạng vào cuối năm 2019 hoặc đầu 2020, nếu thực hiện 4 giải pháp trên.
- Nhiều ý kiến cho rằng có sự không cân bằng giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nội trong tiếp cận thông tin?
- Giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang có bình đẳng về quyền lợi nhưng do những bất lợi về địa lý và ngôn ngữ nên có sự khác biệt. Để giải quyết vấn đề địa lý, chúng ta sẽ áp dụng phương án cho nhà đầu tư nước ngoài được mở tài khoản trực tuyến.
Về ngôn ngữ, chúng ta khuyến khích các doanh nghiệp lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh. Nhưng quan trọng nhất là hy vọng chúng ta sớm thực hiện lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS vào các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu thực hiện sớm được điều này thì khoảng cách giữa nhà đầu tư nước ngoài và nội địa sẽ được thu hẹp đáng kể.
Quý II và III sẽ có tín hiệu tích cực về cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu
- Chúng ta đặt mục tiêu gắn đăng ký giao dịch cổ phiếu, niêm yết với cổ phần hóa nhưng tỷ lệ thực hiện rất thấp, theo ông là vì sao?
- Hiện nay có 800 doanh nghiệp đang niêm yết trên 2 sở và 800 doanh nghiệp đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Rất nhiều trong số này có gốc là doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa. Chính phủ thời gian qua đã đưa vào nghị định về việc cổ phần hóa và đăng ký giao dịch cổ phiếu. Quá trình thực thi sẽ càng ngày càng nghiêm.
Cuối 2018 và đầu năm 2019, việc này đang được chỉ đạo quyết liệt hơn bằng 2 động thái. Thứ nhất là công bố tên các doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không chịu lên sàn. Thứ hai là quy trách nhiệm cho lãnh đạo các doanh nghiệp không thực hiện được.
Theo danh sách, năm 2018 có 740 doanh nghiệp cổ phần hóa phải niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn. Có hơn 200 doanh nghiệp thực hiện và 200 doanh nghiệp đã nộp đơn đăng ký giao dịch, UBCK đang tiến hành rà soát và kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Tài chính có biện pháp thúc đẩy việc này. Tôi tin tưởng từ quý II, quý III/2019 sẽ có những tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp này.
Xin cảm ơn ông.