Các đại biểu quan tâm đến việc tái cơ cấu nền kinh tế, vị trí vai trò của TP.HCM trong sự phát triển của đất nước, sự đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp, việc phát triển 1 triệu nhà ở xã hội, đào tạo nghề, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Các đại biểu cũng quan tâm đến khái niệm cũng như tình hình thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM, việc cải thiện các điều kiện hoạt động các bệnh viện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở vật chất để phát triển lĩnh vực thể dục thể thao; các giải pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Ngoài ra, có nhiều lượt ý kiến về các dự án hạ tầng giao thông, việc khép kín tuyến đường Vành đai 2, công tác giải phóng mặt bằng...
Đại biểu chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM. (Ảnh: T.N)
Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh đặt vấn đề: "Các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đây là một trong những nguyên nhân chính để không đạt được chỉ tiêu giải ngân. Bên cạnh các giải pháp về giải phóng mặt bằng, tôi đề nghị Chủ tịch UBND TP quan tâm đến công tác tái định cư để đảm bảo quyền lợi người dân".
Trả lời ý kiến các đại biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, về vấn đề cải thiện hạ tầng giao thông, về phần cứng, thành phố cố gắng khánh thành tuyến Metro số 1. Ông Mãi cho biết, dự kiến ngày 21, 22/12 sẽ tổ chức chạy thử một đoạn trên cao 10km và đến tháng 3/2023 chạy thử toàn tuyến, sau đó hoàn thành khai thác thương mại trong năm. Ngoài ra, TP cũng hoàn thiện các tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Lương Định Của, Tỉnh lộ 8, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại phiên chất vấn chiều 8/12. (Ảnh: T.N)
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Mãi, quan trọng hơn là thành phố phải chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ, khởi công các công trình hạ tầng, giao thông đô thị quan trọng. Với tuyến Vành đai 2, ông Mãi cho biết, 2 đoạn còn lại của Vành đai 2 nguồn vốn khá lớn nên cần chuẩn bị thêm, cố gắng hoàn thành cùng thời gian với Vành đai 3: "Chúng ta khởi công sớm và phấn đấu hoàn thành Vành đai 2, khép kín đoạn còn lại của Vành đai 2 cùng thời gian với Vành đai 3. Vành đai 3 thì cuối năm 2025 chúng ta cơ bản thông xe, hoàn thiện trong năm 2026, quyết toán trong năm 2027 thì Vành đai 2 chúng ta cũng chuẩn bị".
Ngoài ra, thành phố cũng làm việc với các tinh thành để bàn bạc triển khai tuyến Vành đai 4. TP cũng khởi động để triển khai cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; các dự án ở cửa ngõ TP, tiếp giáp với các tỉnh; nghiên cứu chuẩn bị hồ sơ các cầu Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4, Cần Giờ; các dự án phát triển giao thông thuỷ, các tuyến metro còn lại…
Song song với các giải pháp về đầu tư hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu rõ, thành phố cũng triển khai nhiều giải pháp để phát triển giao thông công cộng, trong đó tập trung công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện.
Bình đồ các tuyến Vành đai TP.HCM. (Ảnh: H.K)
TP.HCM cố gắng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. (Ảnh: L.G)
Về vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM xác định những vấn đề gây chậm trễ như rà soát quy hoạch, hồ sơ, thẩm định giá. Trong đó, thành phố đề nghị làm tốt công tác phối hợp giữa các sở, ngành theo quy chế. Về vấn đề bồi thường, tái định cư, quan điểm của thành phố là phải đảm bảo bồi thường hỗ trợ theo nguyên tắc bằng hoặc tốt hơn. Thành phố thẩm định giá cao nhất có thể, tiệm cận với giá thị trường; khi xây dựng tái định cư thì đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, kết nối, ưu tiên hỗ trợ như có thể xem xét có các chính sách cho thuê, mua nhà với giá bảo tồn với người còn thiếu một số điều kiện…
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, thành phố rút ra bài học trong công tác phòng chống dịch là “càng khó khăn, càng phải năng động sáng tạo để vượt qua. Hiện nay TP.HCM đang khó nên rất cần tinh thần đó” để thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng và công tác đối ngoại năm 2023, giữ vững vị trí năm bản lề, góp phần triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp.