Mới đây, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ KT – XH của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đã “tự hạ bậc thi đua” vì giải ngân đầu tư công của TP thấp, không đạt như kế hoạch đề ra. Việc này cho thấy sự dũng cảm, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.
Chủ tịch UBND TP.HCM tự hạ bậc thi đua
Năm 2022, TP.HCM giải ngân được 25.400 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68%. Tuy có tăng hơn so với năm 2021 nhưng chưa đạt mục tiêu giải ngân 95%. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, việc giải ngân vốn đầu tư công không đạt do nhiều nguyên nhân, như diễn biến bất lợi của dịch Covid-19, xung đột quân sự, chính trị trên thế giới gây lạm phát ở nhiều quốc gia và nhất là công tác quản lý, phối hợp của các sở ngành, chủ đầu tư còn chưa tốt…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tự hạ bậc thi đua vì TP giải ngân đầu tư công thấp. Ảnh H.K
Với vai trò là người đứng đầu chính quyền TP.HCM, ông Phan Văn Mãi đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề và xin “tự hạ bậc thi đua” vì không hoàn thành nhiệm vụ…và khẳng định sẽ xử lý tình trạng này nhằm tạo chuyển biến ngay từ đầu năm 2023.
“Tôi tự nhận giảm bậc. Lãnh đạo các cấp phải nghiêm túc thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng, chỉ thị của UBND thành phố về giải ngân đầu tư công để năm 2023 phải tăng cường thi đua, siết kỷ cương, kỷ luật đối với hoạt động đầu tư công”, ông Phan Văn Mãi thẳng thắn.
Theo ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM, việc giải ngân đầu tư công thấp là do cấp dưới làm nhưng việc Chủ tịch UBND TP.HCM tự nhận trách nhiệm về mình vì là người đứng đầu TP.HCM là hành động thể hiện một lãnh đạo biết nêu gương.
“Việc làm của Chủ tịch UBND TP.HCM thể hiện là người lãnh đạo khiêm tốn, biết nêu gương để cấp dưới thấy mình làm chưa hoàn thành đầy đủ thì nên tự mình nhận xét, tự phê bình…Bác Hồ luôn luôn căn dặn phê bình và tự phê bình là vũ khí sắc bén trong Đảng”, ông Trực nêu.
Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM. Ảnh H.K.
Một “chỉ huy thực thụ trên chiến trường”
Trong bối cảnh hiện nay, TP.HCM đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi mỗi cán bộ, lãnh đạo, mỗi cấp, ngành phải có quyết tâm, nỗ lực mới để đáp ứng sứ mệnh được giao. Muốn thế, trong điều hành công việc, người cán bộ không thể làm một cách máy móc, rập khuôn mà chú ý đến yếu tố năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Người đứng đầu phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để khi thấy cần thiết phải đột phá sáng tạo.
Nói về vai trò của người đứng đầu, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, các Chủ tịch, Bí thư, Giám đốc… phải coi mình như là một “chỉ huy thực thụ trên chiến trường”, có tác phong của người lính, kỷ luật và chỉ đạo quyết liệt.
“Công tác quản lý nhiều áp lực buộc các lãnh đạo phải hành động. Người cán bộ cần phải lấy hành động làm niềm vui, lẽ sống của mình, không coi là mệt mỏi. Người cán bộ không để tồn đọng công việc bởi chần chừ, do dự là mất cơ hội. Khi một chữ ký của mình khiến nhiều người chờ đợi đồng nghĩa với việc đánh mất một cái gì đó, đồng nghĩa là người có lỗi”, Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ rõ.
Có không ít lãnh đạo, Sở, ngành, địa phương ở TP.HCM có tình trạng né trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm. Đây không chỉ là thực trạng của TP.HCM mà còn là thực trạng chung của một số tỉnh, thành trong cả nước.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghiên cứu học tập quán triệt văn kiện Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ngày 6/12/2022, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, hiện nay có tình trạng cán bộ quản lý nhiều khi có vướng mắc, đi hỏi cấp trên, hỏi các Bộ ngành nhưng để 3 – 6 tháng mới trả lời kiểu “đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật”. Đây là cách trả lời không đầy đủ hết trách nhiệm.
Do đó cần phải phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng cá nhân tổ chức, làm sao để mỗi cán bộ làm đúng như lời của Tổng Bí thư là “đúng vai thuộc bài”, loại bỏ một lớp cán bộ làm việc với tâm lý sợ trách nhiệm, đẩy khó khăn lại cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí là chỉ cần đẩy khó khăn ra khỏi phòng mình…
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Ảnh H.K.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng khẳng định, Trung ương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp phân quyền làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước nhằm khắc phục cho được tình trạng cấp dưới đi hỏi cấp trên những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc cấp trên trả lời chung chung khi có vướng mắc. Cần nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu, giữ vững sự lãnh đạo tập trung thống nhất kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm nguyên tắc, quyền lực đi đôi với trách nhiệm.
“Ngoài việc phân cấp, phân quyền đòi hỏi làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước, để làm sao ai cũng ý thức được quyền hạn nhiệm vụ và chức năng của mình để làm cho đúng. Cấp trên hay tổ chức sẽ giám sát và kiểm tra. Lãnh đạo làm đúng được khen, làm không làm đúng bị phê bình, người nào làm không được sẽ có người khác thay thế, như vậy mới tròn vai của người quản lý”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu.
Việc người đứng đầu cơ quan, đơn vị tự nhận trách nhiệm khi cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ là việc nên làm. Với những người đứng đầu, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Trách nhiệm ở đây là không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, mà lớn nhất là trách nhiệm nêu gương, tạo niềm tin của cấp dưới và của nhân dân đối với mình để cùng đồng thuận hành động thiết thực vì sự tiến bộ chung.