Đến cuối tháng 11, TP.HCM mới giải ngân được 34% vốn đầu tư công năm 2022, thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Để đạt được tỷ lệ giải ngân cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian còn lại, thành phố triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Dự kiến, trong tháng 12 này, nhiều dự án giao thông lớn, quan trọng cũng sẽ được khởi động, qua đó giúp cho việc giải ngân vốn đầu tư công được khởi sắc.
Có thể giải ngân 77% vốn đầu tư công
Tính đến ngày 25/11, TP.HCM đã giải ngân được hơn 12.665 tỷ đồng trong tổng số 37.463 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt tỷ lệ 34%. Đây là tỷ lệ thuộc loại thấp nhất cả nước. Ngày 30/11, tại Hội nghị Thành uỷ TP.HCM lần thứ 19, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng thừa nhận “Nhiều chủ trương, nhiệm vụ đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả vẫn đạt thấp, nhất là giải ngân vốn đầu tư công”.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), nhu cầu vốn về giao thông của TP.HCM trong giai đoạn từ nay đến 2030 rất lớn so với khả năng bố trí của thành phố (khả năng đáp ứng 20% – 30%). Bên cạnh tranh thủ nguồn vốn Trung ương, TP.HCM cũng giao các bên liên quan nghiên cứu các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội.
TS. Trần Du Lịch cho rằng, TP.HCM cần phải tập trung gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ các nguồn vốn đầu tư.
Với vai trò là chủ đầu tư của nhiều dự án giao thông quan trọng, Ban đã xây dựng bảng tiến độ thực hiện dự án và cập nhật tiến độ thực hiện giải ngân vốn chi tiết của từng dự án, bám sát quy trình thủ tục từng giai đoạn. Ban này phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ và quyết liệt thực hiện để đảm bảo thời gian từng giai đoạn của dự án.
Trong thời gian còn lại của năm, thành phố sẽ cố gắng để khởi công 3 dự án lớn là: Dự án nút giao thông An Phú, dự án xây dựng Quốc lộ 50 và dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà tiếp cận với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
“Từ nay đến cuối năm, Ban Giao thông cùng với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh các dự án trọng điểm. Bên cạnh việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đây cũng là nhiệm vụ kép để thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo thành phố”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM nói.
Linh hoạt điều hành vốn, đẩy mạnh giải ngân
Để đảm bảo tiến độ, cố gắng đạt tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Thành phố chỉ đạo các địa phương tổ chức giao ban hàng tuần với các đơn vị liên quan để rà soát tiến độ thực hiện của các dự án; tập trung rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác di dời hạ tầng kỹ thuật của từng dự án, nhằm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ thi công; thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý đầu tư công. Đặc biệt, thành phố thực hiện linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, điều hòa nội bộ, bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, hấp thụ vốn tốt, cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện dự án tại hiện trường.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố quyết tâm đạt được tỷ lệ giải ngân cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố quyết tâm đạt được tỷ lệ giải ngân cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Lúc này khi các nguồn vốn khác tắc nghẽn, vốn đầu tư công sẽ rất có ý nghĩa. Từng sở, chủ đầu tư, quận huyện cần rà soát lại nhiệm vụ đầu tư công trên địa bàn của mình từ nay đến cuối năm, vướng mắc ở đâu trực tiếp tháo gỡ để đẩy giải ngân vốn đầu tư công”, ông Mãi yêu cầu.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, đến thời điểm này của năm, kinh tế TP.HCM có nhiều điểm sáng, phục hồi mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong các tháng cuối năm guồng quay có phần chậm lại, có 2 điểm chưa sáng là “điểm nghẽn về hấp thụ vốn” và “tâm lý thị trường”. Do đó, thành phố cần phải tháo gỡ các vướng mắc này để đảm bảo kế hoạch giải ngân đầu tư công.
Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng, TP.HCM cần phải tập trung gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ các nguồn vốn đầu tư, thông qua việc nâng cao trách nhiệm công vụ của bộ máy hành chính các cấp, tạo bước chuyển biến đột phá. Đặc biệt, thành phố cần đeo bám để sớm có Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
“Nếu có cơ hội, TP.HCM cần hoàn thiện Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Bởi đây là điểm mấu chốt nhất về thể chế để thành phố có sức bật trong tương lai. Một điểm nữa là đến nay thành phố vẫn chưa tìm được nhà thầu để làm quy hoạch kinh tế - xã hội là quá chậm. Trong khi đây là việc rất quan trọng, nếu không làm nhanh quy hoạch sẽ không kịp trong năm 2023”, Tiến sỹ Trần Du Lịch nêu.
Ngoài việc cố gắng đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong năm 2022. TP.HCM cũng đang xây dựng kế hoạch năm 2023 đúng, sát với thực tế nhu cầu vốn đầu tư, tiến độ thực hiện, điều kiện triển khai...tránh tình trạng giao vốn lại không giải ngân được, hoặc giải ngân không hết kế hoạch phải điều chỉnh vốn. Qua đó tạo động lực phát triển kinh tế thành phố trong năm 2023 và các năm tiếp theo./.