Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội” chiều 26/4, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, ngay từ bước đi đầu tiên của công cuộc đổi mới của Việt Nam, chúng ta đã rất coi trọng khu vực đầu tư nước ngoài. Khung khổ pháp luật cho việc thành lập doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn có trước khung khổ pháp luật dành cho doanh nghiệp và công ty trong nước. Đây là điểm rất đặc thù của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Trải qua 33 năm, Việt Nam có Luật đầu tư nước ngoài, 20 năm chúng ta tổ chức giải thưởng vinh danh các doanh nghiệp nước ngoài xuất sắc tại Việt Nam. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một thực thể kinh tế quan trọng ở Việt Nam và Việt Nam là một trong số những nền kinh tế thành công nhất trong việc thu hút lượng lớn vốn đầu tư từ các nền kinh tế trên thế giới.
Hiện nay, đã có 136 nền kinh tế có đầu tư vào Việt Nam với vốn đầu tư trên 400 tỷ USD - lớn hơn GDP hàng năm của Việt Nam. Đây là con số rất có ý nghĩa.
Doanh nghiệp FDI đã có đóng góp to lớn vào nguồn thu ngân sách và việc đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp vào việc bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Họ cũng là lực lượng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và đưa hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trên 50% sản lượng sản xuất công nghiệp hàng năm thuộc về khu vực FDI, trên 70% xuất khẩu thuộc về FDI và hàng triệu lao động đã có cơ hội việc làm trong khu vực này.
Nhưng, cũng có những mặt trái mà chúng ta còn trăn trở. 1/3 thế kỷ là khoảng thời gian đủ cho một nền kinh tế từ tình trạng chậm phát triển cất cánh bay lên trở thành những con rồng, con hổ, vươn tới đoạn cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng cho tới nay thì FDI Việt Nam vẫn chủ yếu là công trường gia công cho những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động giản đơn như dệt may, giày dép, điện tử... 60-70% máy móc thiết bị, nguyên liệu, vật tư được nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị gia tăng tạo ra trong nước là không lớn.
Các FDI nhìn chung chưa cộng sinh được nhiều với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Sức lan tỏa về công nghệ, về quản trị, văn hóa kinh doanh chưa cao. Một bộ phận doanh nghiệp FDI thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu sử dụng tài nguyên và nguồn nhân lực giá rẻ, tận dụng các ưu đãi của chính quyền, đóng góp vào ngân sách địa phương không tương xứng. Cá biệt, có hiện tượng FDI kinh doanh chộp giật, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây, nếu không có biện pháp kiểm soát tốt, có thể dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng đến những vấn đề an ninh kinh tế Việt Nam.
"Chúng ta đang hướng tới thế hệ FDI có chất lượng cao hơn, có khả năng cộng sinh, cộng hưởng, cùng có lợi với nền kinh tế nội địa Việt Nam, góp phần đảm bảo nhu cầu tự chủ của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta có cơ hội để đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài thế hệ thứ tư, gắn liền với cuộc cách mạng 4.0." - ông Lộc nhấn mạnh.
Làn sóng này chắc chắn không chỉ quan tâm về số lượng, theo ông Lộc, chúng ta sẽ không chạy theo các dự án hàng tỷ, chục tỷ đô la nếu như các dự án này không góp phần nâng cao chất lượng phát triển của Việt Nam, không tạo ra việc làm đàng hoàng hơn cho người dân và không cộng sinh được với doanh nghiệp nội địa, không lan tỏa được công nghệ, quản trị hiện đại, văn hóa kinh doanh và không tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho nền kinh tế Việt Nam.