Phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững 2019, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: "Tháng 9/2015 tại hội nghị của Liên Hợp Quốc với sự tham dự của 193 quốc gia thành viên, Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vữnng với sứ mệnh là một chương trình nghị sự chuyển đổi thế giới với mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở đảm bảo hài hòa các mục tiêu kinh tế xã hội và môi trường.
Đây là mục tiêu góp phần định hướng phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Với chương trình nghị sự này thì các quốc gia trên thế giới đang trên cùng một con đường hướng tới những mục tiêu hiệu quả hơn, nhân văn hơn và thân thiện môi trường hơn với những phương châm như vì con người không làm đau Trái đất, không để ai bị bỏ lại phía sau và không để lại gánh nặng cho con cháu.
Phát triển bền vững là hệ giá trị của thế giới hiện đại, nền tảng tương tác giữa các quốc gia, giải quyết nhu cầu kết nối con người với con người và với doanh nghiệp, đó là giấy thông hành để doanh nghiệp hòa nhập thế giới, để lại dấu chân xanh trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng được thiết kế trên cơ sở nền tảng của nhu cầu phát triển bền vững. Và định hướng này đang dẫn dắt sự phát triển của các nền kinh tế và doanh nghiệp. Chúng ta chỉ có thể tận dụng FTA nếu phát triển theo hệ giá trị phát triển bền vững.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để đạt được thành quả trên hành trình phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành Chương trình Quốc gia về Phát triển bền vững và thành lập Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. VCCI cũng đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.
Các mục tiêu phát triển bền vững đã được lồng ghép trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Xét về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Worldbank, Việt Nam xếp hạng trung bình, nhưng cũng phải nói rằng theo xếp hạng của tổ chức toàn cầu về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc thì Việt Nam đã lọt vào 33% các quốc gia dẫn đầu, đứng thứ 54/162. Có nghĩa là so với các quốc gia cùng trình độ thì Việt Nam đã vượt lên trong cuộc đua xanh.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh 5 sáng kiến cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp là: liên minh tái chế bao bì Việt Nam với mục tiêu đến năm 2020 100% doanh nghiệp tham gia liên minh này tái chế toàn bộ phế phẩm của mình, không xả thải vào thiên nhiên, dự án phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng, thực hiện sử dụng rác thải nhựa tái chế làm đường giao thông, xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp cho Việt Nam.
VCCI kiến nghị đưa chủ trương thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng. Đề nghị quốc hội ban hành Luật khuyến khích doanh nghiệp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò trung tâm và VCCI sẵn sàng hợp tác với Bộ Tài nguyên Môi trường, cơ quan chính phủ và các tổ chức quốc tế để xây dựng triển khai chương trình hành động.
Về vai trò nền kinh tế tư nhân trong phát triển bền vững, Chủ tịch VCCI đề nghị: không chuyển các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp mà công nhận các hộ kinh doanh có đăng ký là doanh nghiệp để minh bạch hóa, nâng cấp và kết cấu được khu vực kinh doanh với các doanh nghiệp khác và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
"Trong sáng tạo phát triển kinh tế xã hội hiện nay, khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ có vai trò ngày càng quan trọng nên không thể gạt các hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ và nhỏ ra ngoài được" - Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nói thêm.
Ông Lộc cho rằng, thay vì nói đến vai trò tách bạch cạnh tranh giữa khu vực tư nhân và nhà nước, đã đến lúc chúng ta cần nói nhiều hơn đến đối tác công tư và sự hợp tác giữa hai khu vực này. Đối tác công tư không chỉ cần cho các dự án cơ sở hạ tầng mà còn cần cho lĩnh vực dịch vụ công và phát triển các ngành công nghiệp quan trọng đóng vai trò dẫn dắt và đạt yêu cầu tự chủ của nước ta.
VCCI đề nghị đẩy mạnh bổ sung chủ trương thúc đẩy sở hữu công cộng và quan hệ đối tác công tư trong Nghị quyết, và sớm ban hành luật PPP để thúc đẩy xu hướng hợp tác đầu tư này. Đề nghị Chính phủ xem xét lựa chọn một số ngành công nghiệp quan trọng liên quan đến công nghệ trong điểm ảnh hưởng đến năng lực công nghệ và tự chủ kinh tế quốc gia để nhà nước và tư nhân bắt tay thực hiện. Tư nhân làm một mình khó, nhà nước làm một mình cũng khó nhưng bắt tay có thể thực hiện.