Chiều ngày 2/7, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức "Diễn đàn Doanh nghiệp: Lựa chọn nào thời hậu COVID-19?". Tại diễn đàn, các diễn giả cho rằng, doanh nghiệp phải tiếp tục cân bằng chiến lược, cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng để chuẩn bị cho những khủng hoảng trong tương lai.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, mới đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam năm nay sẽ tăng 2,7% - khá thấp nhưng con số này vẫn được xem là mức cao ở châu Á.
"Dù tình hình thế nào cũng giữ vững niềm tin của doanh nghiệp là duy trì lạm phát dưới 4%. Điều này, thể hiện cam kết của Chính phủ với cuộc sống người dân và nhà đầu tư", ông Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cũng thông tin thêm rằng, trong các phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra cũng như một số hội thảo khác, Chính phủ đều thể hiện quan điểm mức nợ công và thâm hụt ngân sách phải được duy trì ở mức cao hơn.
"Đây là những chỉ số mà những năm qua chúng ta đã cố kéo xuống nhưng giờ là lúc chúng ta làm ngược chu kỳ, tức là nâng cao nợ công để ổn định nền kinh tế. Đây là thời điểm Việt Nam phải tiến hành chính sách tài khóa linh hoạt hơn", ông Lộc nói.
Với việc mở cửa thị trường, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, Chính phủ khẳng định quá trình mở cửa từng bước với nền kinh tế cần phải được tiến hành thận trọng. Đồng thời, Chủ tịch VCCI cũng cho biết, trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hậu Covid-19, Chính phủ sẽ phải tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.
"Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong quá trình đó, Chính phủ sẽ triển khai thêm các giải pháp mới và tính đến hỗ trợ các lĩnh vực có tiềm năng là du lịch và hàng không. Đặc biệt là hỗ trợ cho các dự án có tiềm năng và chịu ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình báo cáo lên Chính phủ trong đó có kiến nghị phải có tiêu chuẩn quy định về việc sáp nhập mua bán. Đây là vấn đề mà tôi đã kiến nghị. Mục đích của việc kiểm soát các giao dịch M&A là để bảo vệ những lĩnh vực kinh tế cốt lõi và trọng điểm, đặc biệt là những lĩnh vực ảnh hưởng đến kinh tế và an ninh quốc phòng", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Chính phủ cũng thành lập tổ công tác đầu tư nước ngoài để đón sóng FDI. Theo ông Lộc, đây là điểm tựa cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, để tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nghiệp cần thực hiện được 3 mũi giáp công quan trọng như: tạo hệ sinh thái trong phát triển đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, và tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nội luật hóa FTA thế hệ mới.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, thực tiễn chỉ ra rằng động lực lớn nhất của tăng trưởng là cải cách thể chế, dư địa lớn nhất cũng là cải cách thể chế. "Năm 2016 có làn sóng xóa bỏ điều kiện kinh doanh trong thông tư của bộ ngành. Đây là làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh đầu tiên. Làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh thư hai là xóa bỏ 50% điều kiện kinh doanh trong 2018. Năm nay khởi động làn sóng cắt 20% điều kiện kinh doanh để đưa môi trường kinh doanh vào nhóm 4 ASEAN".
Để làm được điều này, TS Lộc cho rằng cần phải hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, VCCI đã phối hợp với Deloitte chuẩn bị cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp. Cùng với đó, ông Lộc cũng nhấn mạnh, trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid-19, các hiệp hội doanh nghiệp sẽ đóng vai trò trung tâm giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này.