Ngày 15-5, tại hội thảo về vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đã có sự thu hẹp phạm vi của mình, tập trung vào các mục tiêu chủ chốt.
Ông Vũ Tiến Lộc lấy dẫn chứng ngành thương mại, bán buôn bán lẻ trước đây đều do các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã mua bán thì hiện nay thay thế bằng các mạng lưới siêu thị, vận hành bởi các doanh nghiệp tư nhân.
Các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng cần mở rộng lĩnh vực để tư nhân cung cấp dịch vụ công
"Các lĩnh vực được coi như là sân riêng của nhà nước như hàng không, cảng biển, đều đã có sự tham gia của tư nhân..." - ông Lộc nói và khẳng định nhờ việc tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân đã tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Dù vậy, chủ tịch VCCI cho rằng trong lĩnh vực dịch vụ công, sự tham gia của tư nhân còn hạn chế. Theo ông, nhiều dịch vụ công do cơ quan nhà nước thực hiện, trong 1 quy trình gần như khép kín dẫn đến tình trạng không minh bạch.
Ông Vũ Tiến Lộc chỉ ra rằng nhiều dịch vụ công chỉ mang tính chất đăng ký, thông báo, người dân và doanh nghiệp đơn thuần chỉ phải thông báo nhưng khi nhà nước quản lý, thì hành vi này lại trở thành việc xin-cho. Sau đó, việc kiểm tra tuân thủ các điều kiện dịch vụ công cũng do chính cơ quan nhà nước thực hiện. "Nhà nước vừa làm sân chơi, vừa làm trọng tài và nhà nước là cầu thủ luôn. Đây là việc không phù hợp với sự vận hành của một nền kinh tế thị trường hiện đại"- ông Lộc nhấn mạnh.
Theo chủ tịch VCCI, việc nhà nước vừa làm chính sách, vừa tổ chức thực thi, vừa cấp giấy phép, vừa thẩm định năng lực cần phải được xem xét lại cách nghiêm túc để có những thay đổi phù hợp.
Khi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, theo ông Vũ Tiến Lộc, nhà nước sẽ không cần phải đầu tư, giảm được chi tiêu nhà nước, thu gọn bộ máy và tập trung vào những nhiệm vụ cốt lõi. "Y tế, giáo dục là lĩnh vực quan trọng như vậy mà giao cho tư nhân vẫn làm tốt, tại sao dịch vụ công trong lĩnh vực kinh doanh thương mại không để cho tư nhân làm?"- ông Lộc đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Quang Hồng, Trưởng Ban Nghiên cứu Pháp luật dân sự - kinh tế (Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp), cũng nhấn mạnh dịch vụ công trong ngành tư pháp còn xã hội hóa được thì các ngành không có lý do gì để không thực hiện.
Theo bà Hồng, các hoạt động công chứng, thừa phát lại, giám định... của ngành tư pháp đã được xã hội hóa, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả cung ứng, mở rộng cơ hội tiếp cận của người dân.