"Đó vừa là tin vui, vừa là tin buồn", ông Lộc cảm thán. Thông tin này ông được nghe tại Hội nghị xúc tiến thương mại Thái Nguyên diễn ra cách đây ít ngày.
Doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam, hẳn nhiên, đất nước sẽ được lợi khi tiếp tục thu hút thêm được đầu tư nước ngoài. Nhưng, ông Lộc bày tỏ rằng "giá như 200 doanh nghiệp đó là doanh nghiệp Việt".
Chủ tịch VCCI tất nhiên biết rằng điều này là không dễ dàng, nhất là khi nhìn vào bức tranh doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, ông nói rằng cơ hội là luôn có, chỉ tiếc là nhiều doanh nghiệp trong nước đã không vươn lên để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng.
"Tôi luôn bị dằn vặt với câu chuyện làm thế nào để doanh nghiệp trong nước lớn lên, trở thành nhà cung ứng xuyên quốc gia", ông nói và cho biết dù vấn đề không mới, nhưng sẽ phải bàn nhiều, thậm chí rất nhiều, đặc biệt đất nước đã trải qua 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài.
Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hướng tới lợi ích chung theo đó là chủ đề lớn được đặt ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - VBF 2018 diễn ra vào ngày mai (4/7).
Đồng Chủ tịch VBF, ông Tomaso Andreatta, nói rằng giữa hai khu vực đang đề ra nhiều vấn đề như cơ cấu doanh nghiệp trong nước, mà thường là quá nhỏ và quá thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm. Chính vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải mang các nhà cung cấp từ bên ngoài vào thay vì đưa các doanh nghiệp Việt tăng tốc ở nhiều cấp độ.
Hay việc hạn chế thu hút công nghệ cao, ông Tomaso cho rằng là bởi quy mô tiền tệ thị trường đối với hầu hết sản phẩm, từ tiêu dùng đến công nghiệp đều rất hạn chế, và hầu hết người dân Việt Nam mua hàng sản xuất châu Á. Hoặc các vấn đề thuế, hải quan cũng gây nhiều khó khăn, tốn kém...
Ông Vũ Tiến Lộc, cũng là đồng Chủ tịch VBF, chia sẻ ông hiểu những lập luận của khối FDI đã nêu ra trong quá trình kết nối giữa hai bên. Tuy nhiên, ông đặt ra vấn đề "trách nhiệm". Nghĩa là tạo ra được một cộng đồng, trong đó, doanh nghiệp FDI chủ động hơn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt vươn lên.
Điều này, ông Lộc nói rằng đã trao đổi với Samsung và phía tỉnh Thái Nguyên, mục tiêu biến Thái Nguyên thành một điển hình về việc phát triển các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị cung ứng cho Samsung. Ông Lộc cũng tin rằng phía Việt Nam khi được hướng dẫn, hoàn toàn có thể bắt kịp những tiêu chuẩn cao của quốc tế.
"Nếu không có được sự chủ động này, FDI và doanh nghiệp Việt mãi là hai thế giới riêng", ông Lộc nói và bình luận cần cố gắng để có được cái nắm tay giữa hai bên.
Ông Lộc thừa nhận doanh nghiệp ngoại khi vào Việt Nam mục tiêu của họ vẫn là lợi nhuận, nhưng, lợi nhuận có thể đến từ trước mắt hoặc có thể chậm mà dài lâu, khi họ coi đất nước đang đầu tư là quê hương thứ hai để ăn sâu, bám rễ.