Tác động của Luật cạnh tranh rất mờ nhạt
"Luật cạnh tranh được xem là bản hiến pháp của nền kinh tế thị trường tuy nhiên sau 12 năm thực thi, tác động của Luật cạnh tranh ở nước ta rất mờ nhạt", Chủ tịch phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc mở đầu bài phát biểu của mình trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi).
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu ra những thực trạng hiện nay của Luật cạnh tranh như số lượng vụ việc được kết luận hạn chế cạnh tranh rất ít. Trong 12 năm có 8 vụ điều tra chính thức, trung bình có 0,7 vụ trong 1 năm trong khi môi trường kinh doanh được cho rằng cạnh tranh không sòng phẳng. Thị trường cũng chứng kiến những sự kiện vô lý kỳ lạ như giá xăng giảm nhưng giá vận tải không giảm. Cơ quan nhà nước thì loay hoay tìm kiếm giải pháp hành chính nhưng làm không nổi. "Vấn đề cạnh tranh nhưng không ai nói đến pháp luật cạnh tranh", ông Lộc kết luận.
Hay hiện còn tình trạng cơ quan nhà nước có thể vô tư cấm bán cát cho khách ngoại tỉnh hay yêu cầu nông dân phải dùng thuốc của tỉnh nhà. Những quyết định hành chính như vậy đã can thiệp trực tiếp vào cung cầu. Và ít cơ quan hành chính khi ban hành tính toán đến góc độ quyết định đó ảnh hưởng thế nào đến cạnh tranh.
Nguyên nhân của thực trạng này được ông Lộc cho rằng nằm ở hạn chế của Luật như chưa đủ bao quát các hành vi hạn chế cạnh tranh, quy định chưa thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sử dụng. Hạn chế thứ 2 là hạn chế từ cơ quan thực thi. Cơ quan thực thi chưa chủ động phát hiện, xử lý hay ít nhất là lên tiếng vụ việc có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh. Thứ 3 là hạn chế nhận thức của người dân, doanh nghiệp và xã hội thì tất cả các quyền nghĩa vụ liên quan đến cạnh tranh chưa đủ động lực để lên tiếng các hành vi về vi phạm luật cạnh tranh.
"Vì vậy dự thảo phải xử lý được những nguyên nhân này thì mới mong tạo ra diện mạo mới cho pháp luật cạnh tranh và hiện trạng cạnh tranh của nước ta", đại biểu Lộc nêu ra cách giải quyết gốc rễ vấn đề.
Nhiều nội dung quan trọng nhưng còn chung chung
Về nội dung của dự thảo, ông Lộc cũng đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo luật khi có nhiều rà soát lại cũng như thực hiện lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI. Tuy nhiên dự thảo vẫn có những hạn chế không thể xử lý được, không thể gạt được mục tiêu trục lợi.
Thứ 1 nhiều quy định quan trọng cốt lõi nhưng còn quá chung chung. Ví dụ miễn trừ các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, điều 14 nói rằng tác động thúc đẩy khoa học kỹ thuật, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. "Với căn cứ chung chung như vậy thì thỏa thuận nào cũng có thể giải thích và yêu cầu được miễn trừ", chủ tịch VCCI lo ngại.
Thứ 2 là điều khoản hạn chế kinh doanh. Theo đó kinh doanh là quyền tự do của doanh nghiệp. Việc hạn chế chỉ là trong trường hợp trong đó tập trung kinh tế đạt một ngưỡng nào đó có thể ảnh hưởng tới cạnh tranh chung trên thị trường. Theo ông, quy định về hạn chế quyền kinh doanh chưa quy định mà lại giao cho nghị định, những điều căn bản cốt lõi như vậy theo ông Lộc cần được quy định cốt lõi trong luật.
Thứ 3 là một số quy định không thích hợp. Ví dụ điều 33 tập trung kinh tế nhưng cho phép hay không cho phép phải dựa vào tác động của tập trung kinh tế đối với thị trường ví dụ căn cứ thị phần lớn đến mức nào có khả năng ảnh hưởng đến hạn vi cạnh tranh của chủ thể khác trên thị trường. Nhưng các căn cứ khác trong dự luật được dựa vào trị giá giao dịch hay tổng doanh thu, ông Lộc đề nghị phải căn cứ vào tỷ lệ doanh thu, giá trị giao dịch trên thị trường hàng hóa đó.
"Cái đó mới phản ảnh mức độ tập trung kinh tế chứ không phải giá trị giao dịch hay doanh thu", ông Lộc đề xuất.
Về mối quan hệ với các điều luật khác, đại biểu này cho rằng quy định trái với Luật cạnh tranh thì ưu tiên Luật cạnh tranh hay ngược lại là ưu tiên Luật chuyên ngành đều không phù hợp. Ông Lộc đề nghị quy định rất rõ chỉ một số lĩnh vực rất ít được loại trừ như liên quan đến điều tiết kinh tế dịch vụ như OECD, Asean cũng có hướng dẫn tương tự như vậy. Tức là khuyến khích các nước quy định trong luật cạnh tranh nói rõ lĩnh vực nào được loại trừ. Ví dụ ở Việt Nam là luật các tổ chức tín dụng, Luật ngân hàng nhà nước, luật kinh doanh bảo hiểm, luật viễn thông, những luật này được loại trừ còn các luật khác cần phải tuân theo Luật cạnh tranh.
Về quyền khởi kiện dân sự ra tòa, trong dự thảo không quy định bởi được giải thích đã có trong luật dân sự quy định nhưng trên thực tế có thể thấy rằng người dân và doanh nghiệp cứ nghĩ rằng khi gặp vụ việc cạnh tranh thì chỉ nghĩ được quyền kiện ra cơ quan quản lý cạnh tranh. Thậm chí các chuyên gia cũng hiểu như vậy. Theo ông Lộc nên ghi thẳng quyền kiện ra tòa án dân sự trong luật.
Bởi hiện tại mọi người đều hiểu rằng thủ tục xử lý của cơ quan quản lý cạnh tranh là xử lý về vi phạm hành chính. Và vi phạm hành chính thì phạt rất nhẹ và nộp ngân sách nhà nước. Do vậy những người phát hiện ra, đưa ra kiện thì không được hưởng gì khiến người dân không có động lực gì để phản ánh những vụ việc tương tự. Việc ghi rõ kiện ra tòa dân sự có nghĩa là là không chỉ xử phạt mà còn bồi thường thiệt hại cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm luật cạnh tranh.
Về vị trí của cơ quan cạnh tranh quốc gia, ông Lộc cho rằng nằm ở đâu không quan trọng miễn là quản lý độc lập, nâng cao trách nhiệm, năng lực của cơ quan này trong việc xử lý các vụ việc cạnh tranh. Có đại biểu băn khoăn hiện Bộ công thương đang là bộ chủ quản của 1 loạt doanh nghiệp nhà nước nên giao cho bộ này quản lý là không hợp lý. Tuy nhiên chủ tịch VCCI cho rằng hiện Chính phủ đang có đề án lập ban chỉ đạo quản lý vốn và tài sản của nhà nước và Bộ công thương sẽ phải chuyển giao cho cơ quan này quản lý đó. Như vậy Bộ Công thương không còn là cơ quan chủ quản nên cũng đảm bảo tính trung lập.