Ông Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể là phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta.
Theo ông Lộc, việc gia nhập Công ước 98 cũng phù hợp với lộ trình chủ động của Việt Nam về việc tham gia các hiệp định quốc tế, điều ước quốc tế. Ngay từ năm 2015 Chính phủ đã có chương trình hành động để tham gia vào các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực xã hội, lao động, trong đó có nêu rõ chúng ta sẽ tham gia vào công ước này.
Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu hội nhập của Việt Nam, tham gia Tổ chức Lao động Quốc tế thì đương nhiên phải chấp nhận các điều ước mà họ đã thông qua. Trong khi đó, thời gian gần đây, Việt Nam liên tiếp gia nhập các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP với những đòi hỏi khắt khen và chuẩn mực cao về nhiều mặt.
"Tại sao các hiệp định thương mại tự do liên quan đến buôn bán hàng hóa lại yêu cầu chúng ta phải thi hành những quy định về quan hệ lao động? Vì đây chính là một trong những điều kiện đảm bảo cạnh tranh công bằng. Các nước chỉ quan tâm làm sao cơ chế hình thành giá cả của lao động hay điều kiện lao động phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo sự minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp", ông Lộc cho hay.
Tuy nhiên, ông Lộc và nhiều ĐBQH khác cũng bày tỏ Chính phủ cần rà soát, làm rõ thêm các điều khoản của các luật liên quan để có thể tương thích với Công ước số 98.
"Chính phủ cần có kế hoạch xem xét để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, Chính phủ sớm nghiên cứu xây dựng Luật Tố tụng lao động để bảo đảm hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua Tòa án là chủ yếu. Vấn đề này đã được công đoàn đề nghị rất lâu", đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi của tỉnh Thanh Hóa đề nghị.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng của Bến Tre tiếp tục nhấn mạnh việc cần tham gia Công ước số 98. "Về nguyên lý, dù không tham gia công ước này chúng ta vẫn phải thực hiện tất cả các vấn đề mà Tổ chức Lao động quốc tế đặt ra. Nếu chúng ta tham gia sẽ cho thấy Việt Nam có cam kết về mặt chính trị", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Ở thời điểm hiện tại, ông Nhưỡng cho biết có 166/187 quốc gia đã thông qua Công ước này, tương đương 88,77% số thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế. Ngay cả khi Việt Nam phê chuẩn tham gia, sẽ còn nhiều bước đi đảm bảo sự phù hợp của luật pháp nước ta với những quy định của công ước.