Phát biểu tại nghị trường sáng nay (25/5), đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng những thành công mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua chỉ là bước đầu, chủ yếu nhờ những giải pháp mang tính ngắn hạn cũng như nhờ sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng.
Ông cho rằng nhiều vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế mới dừng ở bước nhận diện chứ chưa có phương án giải quyết . Đơn cử như với mô hình chuyển đổi tăng trưởng, ông Lộc nhận xét Việt Nam là quốc gia nói nhiều nhất về công nghiệp 4.0 nhưng đến nay, giáo dục đào tạo chưa có sự thay đổi đáp ứng yêu càu nguồn nhân lực.
Về vấn đề tài khoá, Chủ tịch VCCI chỉ ra nhiều năm, việc cân bằng ngân sách, không chế nợ công được thực hiện bằng các khoản thu một lần như bán đất, bán tài sản công, thu từ cổ tức doanh nghiệp. Đến khi nguồn này cạn kiện, thuế lại được xem là một cứu cánh.
"Nhưng nếu chủ trương tinh giản bộ máy để giảm chi thường xuyên, lấy nguồn cho đầu tư phát triển được thực hiện tốt thì sẽ không phải đánh thuế dồn dập, tận thu, khiến người dân bức xúc", ông nói.
Vị đại biểu này nhấn mạnh thuế nếu bị đánh quá mức sẽ tạo ra sự di chuyển từ khu vực tư đang hoạt động hiệu quá sang khu vực công kém hiệu quả hơn.
"Điều này không có lợi cho kinh tế trong dài hạn", ông Lộc nhận định.
Vấn đề ngân sách cũng được nhiều đại biểu khác quan tâm. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đoàn Nghệ An cho rằng kinh tế tuy tăng trưởng cao nhưng thu ngân sách cân đối Trung ương lại thiếu hụt.
Trong khi đó, quy định tại khoản 2 điều 55 Hiến pháp 2013, ngân sách Trung ương đóng vai trò chủ đạo. Đại biểu này cho rằng đây là mâu thuẫn cần phải được có câu trả lời sớm và thỏa đáng.
Theo ông, ngoài nguyên nhân khách quan là tăng trưởng của nước ta đang phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI thì "nguyên nhân chủ quan là do luật thuế của chúng ta đang có vấn đề hoặc cơ quan chức năng có vấn đề, hoặc chúng ta chưa làm hết trách nhiệm của mình".
Nguyên nhân, báo cáo Kiểm toán 2017 cho biết tình trạng nộp thuế, kê khai thuế thiếu doanh thu, xác định sai chi phí từ đó, tính thiếu thuế GTGT, thiếu thuế TNDN diễn ra khá phổ biến và gây thất thoát lớn cho ngân sách.
Báo cáo Kiểm toán xác định số ngân sách Nhà nước tăng thêm và kiến nghị nộp ngân sách nhà nước lớn như: Sabeco, Habeco, Công ty hàng không Việt Nam, Vinachem (trang 20 báo cáo KT 2017). Trong khi đó, việc hậu kiểm của các cơ quan chức năng còn quá ít chỉ 18,6%.
Do vậy, đại biểu này nghị Chính phủ tập trung xử lý nguyên nhân này. Ngoài ra, đại biểu Cầu còn kiến nghị về tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, không để nợ công, nợ thuế, nợ xấu gia tăng gây áp lực xấu cho nền kinh tế.