Chuyển đổi số có lẽ đã quá quen thuộc với hoạt động sinh hoạt cũng như kinh doanh tại Việt Nam. Sau năm chuyển đổi số là năm 2020 – công cuộc số hoá trong nước theo nhìn nhận của các chuyên gia là đã đi từ khẩu hiệu, lúng túng thực thi đến việc vận hành trơn tru vào nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế.
Đặc biệt, đại dịch bùng phát mạnh và còn diễn biến phức tạp được ví như chất xúc tác thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh hơn trên con đường số hoá – bởi chuyển đổi số không chỉ còn là công cụ mà được xem như yếu tố sống còn trong bối cảnh hiện nay.
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP trong năm này là khoảng 6% và con số tính tới năm 2021 lên đến 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, thêm 21% trong năm 2020 và dự kiến tác động đến 85% công việc trong khu vực sau 3 năm tiếp theo.
Hay một khảo sát từ Singapore cũng cho thấy, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP khu vực sẽ có thêm 1.000 tỷ USD. Riêng với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD nếu số hoá.
Chia sẻ về công cuộc chuyển đổi số tại hội thảo mới đây, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) nhận định trong 2 năm vừa qua, chuyển đổi số tại Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, khu vực công cũng như khu vực tư nhân. Nhận thức của xã hội về chuyển đổi số cũng được lan tỏa rất nhanh chóng. Đặc biệt, đại dịch còn mang đến những xu hướng mới trong chuyển đổi số, cụ thể là số hoá trong lĩnh vực sức khỏe trở thành xu hướng khi hầu hết mọi người đều chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe thể chất.
Hiện, VECOM cũng như Liên minh chuyển đổi số đang đồng hành vào rất nhiều doanh nghiệp với mong muốn chuyển đổi số, ứng dụng blockchain để ngày càng phát triển nhằm góp phần đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ này trên toàn thế giới. Mới nhất, VECOM cùng Liên minh Chuyển đổi số DTS vừa ký kết chuyển đổi số với Calo, mục tiêu hợp tác phát triển ứng dụng công nghệ vào hoạt động thể thao và chăm sóc sức khỏe. Theo đó, Calo và các bên sẽ đồng hành cùng nhiều ứng dụng về sức khoẻ như I-citizen, E-doctor… tăng giá trị cho xã hội bằng các hoạt động thể thao thể chất trong metaverse-xu hướng mới của thế giới.
Được biết, Metaverse trong Calo gồm 4 hoạt động chính: (1) hoạt động đồng bộ hoá và ghi nhận số liệu sức khoẻ và vận động từ các bên thứ 3 như Strava, Garmin, Apple Health, Sam sung… trên nền tảng blockchain để theo dõi và đề nghị những hoạt động phù hợp cho người dùng; (2) hoạt động workout hằng ngày, đốt calories thông qua các bộ môn chạy bộ, bơi, đạp, fitness.. xây dựng lộ trình phát triển tăng trải nghiệm thông qua việc áp dụng công nghệ AR/VR; (3) hoạt động thi đấu – hoạt động chính tạo ra nguồn doanh thu nhờ vào việc tham gia mua vé của người dùng và các hoạt động quảng cáo, tài trợ của các nhãn hàng, công ty, thương hiệu; và (4) hoạt động MarketPlace, nơi trao đổi mua bán các vật phẩm của Calo Metaverse cũng như các sản phẩm của các nhãn hàng.
Theo ông Dũng, bước khởi đầu cho chuyển đổi công nghệ của ngành y tế bằng ứng dụng thực tế ảo (VR) tạo nên sự thay đổi tích cực. Đồng thời, việc kết hợp ứng dụng công nghệ blockchain trong xây dựng dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và bảo mật.
Mặt khác, bên cạnh chất xúc tác đáng kể là đại dịch Covid-19, sự chuyển biến mạnh và tích cực này có được là nhờ rất nhiều chương trình xúc tiến, thúc đẩy của các cơ quan nhà nước cũng như nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp.