Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Tập đoàn Phenikaa) vừa chính thức ra mắt Trường Đại học Phenikaa và Quỹ Đổi mới Sáng tạo Phenikaa với quy mô 1.000 tỷ đồng.
Với cam kết hỗ trợ không hoàn lại, Quỹ Phenikaa mong muốn khơi dậy nguồn cảm hứng, tạo tiền đề cho các nhà nghiên cứu khoa học nuôi dưỡng đam mê và tự tin dấn thân trên con đường khoa học để đổi mới sáng tạo; đồng thời tham gia hỗ trợ các start-up liên quan đến đổi mới sáng tạo và công nghệ để khởi đầu hành trình mới trong kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ (KHCN) một cách thuận lợi.
TS. Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Phenikaa, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Phenikaa, Chủ tịch Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa cho biết trường hướng tới mục tiêu trở thành một trường ĐH đa ngành, tầm nhìn trở thành Tốp 100 trường ĐH xuất sắc nhất châu Á trong vòng 20 năm.
"Tập đoàn Phenikaa quyết định tài trợ đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và phát triển khoa học công nghệ với mục đích không vì lợi nhuận. Với việc ra mắt Trường Đại học Phenikaa và Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa, chúng tôi mong muốn tạo dựng một môi trường ươm mầm và phát triển những tài năng, khuyến khích sáng tạo, theo đuổi và hiện thực hóa các ý tưởng độc đáo của các nhà khoa học, các Start-up, góp phần hơn nữa vào việc xây dựng sức mạnh nội lực của quốc gia", ông Năng chia sẻ.
Trường ĐH Phenikaa có diện tích gần 14 ha, tọa lạc tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, ra đời năm 2017 sau khi Tập đoàn Phenikaa mua lại Trường đại học Thành Tây (thành lập năm 2007). Được biết, Phenikaa cam kết rót 1.600 tỷ đồng cho đại học Thành Tây.
Tính tới tháng 3/2019, cơ cấu tổ chức của Trường gồm có 5 Phòng, 1 Ban, 13 Khoa, 3 Viện và 1 Trung tâm nghiên cứu. Ba viện nghiên cứu trực thuộc Tập đoàn bao gồm Viện nghiên cứu và công nghệ Phenikaa (PRATI), viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa (PIAS), Viện nghiên cứu nano (PHENA).
Hiện tại, Trường có 4 chương trình đào tạo thạc sĩ và 22 chương trình đào tạo đại học chính quy thuộc 4 khối ngành, bao gồm khối ngành Khoa học- Kỹ thuật và Công nghệ, khối ngành Sức khỏe, khối ngành Kinh tế và khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn. Quy mô tuyển sinh mỗi năm của trường khoảng 1.600 sinh viên.
100% lợi nhuận thu được sẽ tái đầu tư vào hoạt động phát triển nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thực hiện các chương trình hỗ trợ, tài trợ, học bổng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cương hợp tác, liên kết quốc tế…của Nhà trường.
Nhà khoa học xây dựng công ty vốn hóa 13.000 tỷ quay trở lại đóng góp cho nghiên cứu khoa học
Ông Hồ Xuân Năng được biết đến là người đã làm thay đổi toàn bộ cục diện của Công ty Cổ phần Vicostone. Là một cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Năng đã chuyển hướng sang kinh doanh và trở thành thư ký Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vào năm 1999.
Năm 2002, Vinaconex thành lập Nhà máy đá ốp lát cao cấp Vinaconex và cổ phần hóa vào năm 2005. Trong năm đó, ông Hồ Xuân Năng đã trở thành giám đốc công ty và kiêm chức Chủ tịch công ty vào năm 2007. Khi Vicostone lên sàn, Vinaconex dần thoái hết vốn nào năm 2013.
Lịch sử của Vicostone đã tạo tiếng vang trên thị trường chứng khoán khi quỹ Red River Holding được coi là không "đấu lại" được với ông Hồ Xuân Năng và buộc phải rút vốn vào năm 2014. Khi đó giá cổ phiếu của Vicostone chỉ khoảng 14.000 đồng/cp (nếu tính theo giá điều chỉnh sau nhiều lần Vicostone tăng vốn và trả cổ tức thì Red River Holding đã bán cổ phiếu VCS với giá khoảng 5.700 đồng/cp). Hiện tại, VCS đang dao động quanh mức 80.000 đồng.
Biến động giá cổ phiếu Vicostone từ khi lên sàn
Công ty Phenikaa do ông Năng thành lập khi đó đã gom toàn bộ cổ phần của Vinaconex và mua lại phần thoái vốn của các quỹ nước ngoài. Ở thời điểm hiện tại Phenikaa nắm giữ 81,63% cổ phần của Vicostone, tổng giá trị cổ phiếu VCS ông Năng đang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp thông qua Tập đoàn Phenikaa khoảng 11.400 tỷ đồng.
Tính ở thời điểm hiện tại, Phenikaa có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Với lĩnh vực cốt lõi là sản xuất công nghiệp, vật liệu sinh thái và công nghệ cao, Phenikaa bên cạnh việc sở hữu thương hiệu đá nhân tạo gốc thạch anh cao cấp Vicostone còn mở rộng sang lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao, thông minh, tự động hóa. Tập đoàn Phenikaa sẽ tái cấu trúc để sản phẩm công nghệ cao trở thành sản phẩm mũi nhọn và chiếm tỉ lệ chi phối doanh thu của Tập đoàn.
Cơ cấu tập đoàn Phenikaa
Trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh việc phát triển trường đại học Phenikaa, Tập đoàn đang triển khai hoàn thành giai đoạn 1 dự án Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa với đủ 3 cấp học liên thông tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học.