Nói về những khó khăn mà các hãng hàng không , trong đó có Vietnam Airlines, ông Hòa cho biết: "Giá nhiên liệu bay đang ở mức rất cao, cả năm 2023 khoảng 105 USD/thùng, vượt 30% so với năm 2019, làm chi phí của các hãng hàng không tăng nhiều nghìn tỷ đồng".
"Riêng Vietnam Airlines tăng 60 tỷ đồng so với năm 2019 về giá nhiên liệu bay ", ông Hòa nói về Vietnam Airlines.
Theo ông Hoà, tỷ giá cũng diễn biến bất lợi khi các đồng tiền thu chính của hãng hàng không như tiền Nhật Bản, Hàn Quốc đều mất giá so với đồng chi phí của các hãng là đô la.
Ông Hòa cho hay: "Năm 2023, thị trường hàng không quốc tế phục hồi, diễn biến khá tích cực nhờ sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhưng tốc độ phục hồi ở những tháng cuối năm đang chậm hơn dự kiến, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc Á".
"Tính chung cả năm 2023, khách thị trường quốc tế ước đạt khoảng 30 triệu lượt, đạt gần 74% so với năm 2019", ông Hòa chia sẻ.
Đối với thị trường nội địa, mặc dù quý 1/2023 có phục hồi rất tốt nhưng do ảnh hưởng của nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, thị trường chững lại ngay tại cao điểm hè năm qua và yếu dần về các tháng cuối năm. Như tháng 12/2023, thị trường sụt giảm 10% so với năm 2019. Tính cả năm 2023, tổng thị trường nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt khách, tăng 7,5% so với năm 2019.
Về những khó khăn của Vietnam Airlines, ông Hòa thông tin, Vietnam Airlines đã chủ động linh hoạt điều hành hoạt động khai thác phù hợp với diễn biến thị trường, cân đối hiệu quả trên cơ sở thực hiện tốt quản trị chi phí, tăng doanh thu.
Cuối năm 2023, Vietnam Airlines đã khôi phục được 90% mạng đường bay quốc tế, khôi phục hoàn toàn mạng đường bay nội địa, tiếp tục mở thêm các đường bay mới đến Ấn Độ, Úc.
Tổng kết lại, hãng đã khai thác hơn 130.000 chuyến bay an toàn, vận chuyển trên 21 triệu lượt hành khách, giảm lỗ hơn một nửa so với năm 2022, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 3.000 tỷ đồng.
Bước sang năm 2024, tình hình kinh tế chính trị thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, các xung đột địa chính trị khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Với nhu cầu đi lại của hành khách, khu vực Thái Bình Dương được dự báo vẫn chưa phục hồi hoàn toàn so với trước dịch. Trong nước, ảnh hưởng bởi nguồn lực các hãng hàng không khó đạt mức tăng trưởng so với năm 2023.
Năm 2024 được đánh giá là một năm rất quan trọng, ông Hòa khẳng định: "Vietnam Airlines sẽ tiếp tục phát huy sứ mệnh của hãng không quốc gia trong quảng bá văn hóa, duy trì thị phần ở các đường bay trọng điểm, mở rộng đường bay quốc tế, dự kiến mở một loạt đường bay xuyên lục địa đi: Canada, Ý, các nước Bắc Âu.
Về cơ cấu lại doanh nghiệp, ông Hòa cho hay: "Vietnam Airlines đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cân đối được thu – chi, tái cơ cấu mạnh mẽ về tổ chức, tối ưu hóa quy trình sản xuất, ứng dụng triệt để chuyển đổi số, tái cơ cấu mạng bay, điều chỉnh mạng bay, đa dạng chưng trình bán".
Việc phát triển của ngành hàng không đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, đầu tư, giao lưu văn hóa và hình ảnh của một quốc gia song đồng thời cũng phụ thuộc nhiều vào các chính sách vĩ mô của quốc gia đó.
Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn ngành du lịch trong sự kết nối với các ngành khác và cần có cơ quan theo dõi, đốc thúc việc triển khai các chương trình cụ thể.
Ông Hòa cho rằng: "Cần xây dựng chương trình phát triển năng lực cạnh tranh về điểm đến với các đầu tư đủ lớn để cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; tập trung đầu tư, quảng bá điểm đến Việt Nam tại nước ngoài".
"Trước mắt, cần thành lập văn phòng đại diện của Cơ quan xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm. Từng bước mở rộng số lượng nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam", ông Hòa kiến nghị
Đồng thời, tiếp tục các giải pháp ứng dụng công nghệ số, để đồng bộ hóa, chia sẻ và kiểm soát dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, hãng HK, các DN liên quan lữ hành… song song với việc đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng cảng hàng không ; Tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường hỗ trợ chung cho ngành vận tải hàng không phục hồi.
Về quản lý điều tiết vĩ mô ngành hàng không , cơ quan quản lý tham gia điều tiết cung cầu thị trường khi có diễn biến bất thường của thị trường; điều tiết cân đối giữa việc phát triển hãng hàng không , đội tàu bay với năng lực khai thác và hạ tầng sân bay; Tạo cơ chế linh hoạt cho các hãng hàng không nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực (ví dụ như các qui định về việc quản lý và sử dụng slots tại các cảng hàng không )
Bên cạnh đó, ông Hòa kiến nghị cho phép các hãng hàng không linh hoạt về giá vé máy bay theo cơ chế thị trường, song không để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bán dưới giá thành nhằm giành thị phần, triệt tiêu cạnh tranh.
Cuối cùng, để tạo điều kiện để Vietnam Airlines phát huy tốt nhất vai trò hãng hàng không quốc gia, chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm thông qua đề án tái cơ cầu toàn diện của Tổng công ty, chấp thuận về cơ chế giao Vietnam Airlines là nhà đầu tư tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại Cảng HKQT Long Thành.