"Có lẽ, đau đớn nhất của ngành du lịch chính là cơ sở vật chất. Chúng ta cũng hay nghe những con số lỗ hàng chục ngàn tỷ của doanh nghiệp hàng không. Chúng tôi hay nói đùa, Vietravel Airlines mới có 3 chiếc máy bay thôi, điều này đồng nghĩa với việc trong một tuần sẽ đẩy 7 chiếc Rover xuống sông hay mỗi ngày mất đi một chiếc Camry", ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel nói về thực trạng doanh nghiệp của mình.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết tình hình diễn biến rất nhanh và ngay lập tức, thị trường kinh doanh hàng không và du lịch bị bóp 100%. Không chỉ Vietravel mà tất cả các doanh nghiệp khác trong ngành, hàng chục máy bay nằm im trên đường băng, gây ra tổn thất tài chính vô cùng lớn. Dịch Covid-19 đã để lại di chứng, đưa các doanh nghiệp quay trở lại thời kỳ 2008, sau đó muốn quay lại phục hồi cũng rất khó.
Chưa hết, ngành du lịch sử dụng rất nhiều lao động, còn ngành hàng không cũng sử dụng lao động chất lượng cao. Sau đợt dịch này, "nguồn nhân sự sẽ bị sứt mẻ, không phải một sớm một chiều có thể bù đắp được. Máy bay đã trùm chăn 4 tháng rồi, không phải muốn là gỡ ra bay được luôn. Có những quy định rất ngặt nghèo về an toàn bay, nên tốn một chi phí rất lớn để khởi động lại".
Chủ tịch Vietravel bày tỏ, trong lúc dịch bệnh đều đang hoành hành trong và ngoài nước, doanh nghiệp cũng phải xử lý hàng loạt vấn đề xảy ra, bao gồm vấn đề nội tại doanh nghiệp cũng như nhìn nhận, đánh giá lại thị trường. Ông Kỳ cho rằng lúc bối rối thì con người hay hành động vội vã và lựa chọn có thể sai lầm.
"Nên ngay lúc đầu phải kiên nhẫn ngồi đánh giá, tính toán, lật đi lật lại vấn đề để hiểu được vấn đề, lựa chọn được phương hướng. Chỉ cần nóng vội, hấp tấp một chút thôi là gần như không có đường quay lại. Đến tháng 8-9 rồi, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn đến tột cùng, trong lòng đều rất mong muốn được giải quyết nhưng phải đánh giá môi trường bên ngoài, môi trường Việt Nam, hoàn cảnh của thành phố, hoàn cảnh của các ngành nghề mình kinh doanh, và rút ra rằng mình không thể vội được. Phải bình tĩnh, kiên nhẫn, kiên trì đề tìm ra con đường, biện pháp làm sao đúng nhất trong khả năng có thể".
Với Vietravel, sự kiên nhẫn chính là bình tĩnh lựa chọn, tìm ra con đường đi chứ không có nghĩa là ngồi im. Công ty không chỉ tích cực đóng góp những ý kiến hữu ích cho chính phủ mà còn tìm biện pháp tái cấu trúc doanh nghiệp.
Ông Kỳ nhận định tình hình ngành du lịch từ nay đến cuối năm vẫn còn khó khăn, dự báo ngành du lịch Việt Nam có khả năng mất hết năm nay và chỉ có thể khởi động lại từ đầu năm tới. Ông dự báo doanh thu năm nay của công ty không chắc nổi 10% con số năm 2019.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, Vietravel ghi nhận tổng doanh thu 1.936 tỷ đồng (giảm 73,3% so với mức thu 7.255 tỷ của năm 2019), lỗ 99 tỷ đồng. Trong Quý 1/2021, doanh nghiệp này tiếp tục lỗ khoảng 73 tỷ đồng.