Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings đã chia sẻ như vậy khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh với chủ đề "Con đường phía trước". Đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm của Tạp chí Forbes Việt Nam.
Mỗi sáng mở mắt ra, chưa kịp làm gì đã mất ngay 1,5 triệu đô la
Mở đầu bài phát biểu của mình, ông Kỳ điểm lại những cột mốc ấn tượng của ngành du lịch năm 2019. Theo đó, nước ta có 135.000 điểm lưu trú với tổng cộng 500.000 phòng, đón tiếp 19 triệu khách nước ngoài, 82 triệu khách trong nước. Toàn ngành có 29.000 hướng dẫn viên du lịch, 300.000 doanh nghiệp lữ hành.
Riêng Vietravel trước khi Covid-19 ập tới, mỗi ngày đều đón tiếp 1 triệu khách (cả khách trong nước và quốc tế), 64 chi nhánh trên cả nước và 6 văn phòng đại diện ở nước ngoài đều phải làm việc hết công suất.
"Nhưng bão Covid-19 vừa về đã cán tất cả cột mốc quay về con số 0. Chúng tôi chẳng còn gì. Số lượng hành khách bằng 0 và doanh thu cũng bằng 0".
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings.
Ông Kỳ cho biết, thời điểm đó, mỗi ngày vị doanh nhân này thức giấc lại chứng kiến cảnh doanh nghiệp của mình mất đi 1,5 triệu USD.
"Thực sự đây là khoảng thời gian chúng tôi cũng như các bạn chưa ai từng trải qua. Nó bắt tất cả dừng lại và đứng yên. Chúng tôi bị choáng suốt 10 ngày".
Sau khi bình tĩnh lại, ông Kỳ xác định dịch bệnh không thể một sớm một chiều kết thúc ngay. Ngành du lịch vì thế càng không dễ hồi phục.
"Du lịch phụ thuộc vào nền tảng kinh tế và tâm lý xã hội. Hạ tầng kinh tế có phục hồi, đời sống phát triển, du lịch mới phục hồi được. Rồi tâm lý xã hội cũng phải ổn định, người dân thấy an toàn trở lại thì du lịch mới có cơ hội".
Chiến lược ngủ đông tích cực và bài toán xoay chuyển hậu Covid-19
Để đối phó với dịch bệnh, ông Kỳ đã đưa doanh nghiệp của mình vào trạng thái "ngủ đông tích cực".
"Ngủ tích cực tức là tạm "ngủ" thôi chứ không phải "lịm đi luôn" (cười). Chúng tôi cố gắng giữ những cái gì là cơ bản nhất của hệ thống, tập trung tham gia các hoạt động xã hội để thể hiện vai trò, trách nhiệm của một doanh nghiệp.
Ngoài ra, thời gian ngủ đông, công ty này tập trung giải quyết bài toán marketing. Khi tất cả mọi người đều ở nhà, chiến dịch marketing được công ty ông Kỳ đẩy mạnh hết sức để gợi nhắc họ về những kỉ niệm du lịch, để người dân không mất đi nhu cầu và không quên đi tên thương hiệu Vietravel.
Trở lại sau dịch, Vietravel xác định cần có 4 giai đoạn để phục hồi là: rã đông, khởi động, tăng tốc và về đích.
"Hiện nay, chúng tôi đang ở giai đoạn khởi động. Ngành du lịch chỉ có thể quay lại vào dịp Tết, mà cũng chỉ còn thị trường du lịch trong nước thôi. Vì nước ta mới mở cửa lại vào cuối tháng 10, nên du lịch ít nhất phải mất vài tháng mới hồi phục được".
Theo ông Kỳ, du lịch dịp Tết cũng là cơ hội mà hàng triệu người làm du lịch Việt Nam đang rất mong chờ. Trước đó, trong một bài phỏng vấn với chúng tôi, ông Kỳ cũng cho rằng, sau nhiều lần chính phủ tuyên bố sẽ mở cửa du lịch trong nước nhưng không thực hiện được, những doanh nghiệp lữ hành như Vietravel đã kiệt sức. "Nếu lần này lại kéo pháo ra rồi kéo pháo vào là chúng tôi vào luôn đấy, không ra được nữa đâu", vị Chủ tịch Vietravel Holdings từng nói với phóng viên.
Phiên thảo luận có sự tham gia của ông Kỳ (thứ 3 từ trái sang) trong diễn đàn Kinh doanh với chủ đề "Con đường phía trước" của Tạp chí Forbes Việt Nam.
Điều mong đợi nhất của ông Kỳ là hy vọng Chính phủ có thể mở cửa hoàn toàn đối với giao thông vận tải, giao thương, biên giới... "Nếu không mở mà cứ như hiện nay thì sẽ gây hệ lụy cho tất cả các ngành kinh tế, khiến chi phí sản xuất tăng, làm chuỗi sản xuất gãy đổ và kinh tế nước ta sẽ hồi phục chậm hơn.
Đối với du lịch thì 50% đã là "du", tức là đi lại rồi. Nếu giao thông không mở cửa thì du lịch cũng rất khó phục hồi".
Ông Kỳ cũng mong đợi Chính phủ sẽ đưa gói hỗ trợ cho người lao động về thẳng doanh nghiệp để họ san sẻ bớt gánh nặng với chính quyền địa phương cũng như thực hiện việc giải ngân hỗ trợ người lao động chính xác, tiện lợi hơn.
Cuối cùng, vị doanh nhân đề xuất Chính phủ nên có các gói hỗ trợ tín dụng lớn hơn đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19. "Quy mô các gói hỗ trợ tín dụng mới chỉ chiếm 1-2% GDP là chưa đủ. Tôi hy vọng các gói hỗ trợ này sẽ chiếm 6-7% GDP vào năm tới".
"Du lịch chỉ có thể phục hồi, quay lại nếu như xã hội an toàn và mọi người muốn đi. Còn bản thân doanh nghiệp thì chúng tôi phải tự biết thích nghi một thế giới mới. Với tôi, những gì của năm 2019 đã là thế kỷ cũ, bây giờ là thế giới mới. Để thích ứng được hành vi sống mới của con người thì doanh nghiệp du lịch như chúng tôi cũng phải biết tự tìm cách để thích ứng được", ông Kỳ nói thêm về mong muốn được Chính phủ tin tưởng nhiều hơn vào các doanh nghiệp lữ hành khi quyết định mở rộng cửa du lịch.