Tại buổi gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp với chính quyền TP.HCM ngày 17/2, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, tổng thu từ hoạt động du lịch TP.HCM năm 2022 là 120.000 tỉ đồng, bằng với con số của năm 2017.
"Tổng lượng khách đến thành phố trong năm qua là 28,5 triệu lượt người, bằng với con số năm 2012, có nghĩa là ngành du lịch thành phố đã bị lùi lại 10 năm", ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định và cho biết thêm, trong khi Việt Nam đang chật vật với mục tiêu 8 triệu khách quốc tế năm nay thì nước bạn Thái Lan đã đặt mục tiêu đón từ 20 lên 30 triệu khách quốc tế.
"Bất cập đầu tiên là ở chính sách thị thực (VISA). Mỗi ngày cơ quan chức năng xử lý khoảng 2.000 hồ sơ VISA điện tử; tức trung bình một năm sẽ có khoảng 740.000 lượt khách quốc tế được cấp VISA vào Việt Nam. Con số này chưa đạt 10% so với mục tiêu 8 triệu lượt khách", ông Kỳ nêu thực trạng và nhận định, điều này khiến hoạt động du lịch bỏ lỡ các mùa đón khách cao điểm.
Đồng thời, nguyên nhân dẫn đến hoạt động du lịch thành phố vẫn đang chìm là do thiếu chiến lược toàn diện và bền vững, thiếu sự phối hợp giữa các sở, ban ngành khiến việc quảng bá, xúc tiến chưa được đầu tư đúng mức; không tạo được sự chú ý với du khách để họ quay lại.
Người đứng đầu Vietravel Holdings đề xuất nhiều giải pháp để phát triển du lịch thành phố. Theo ông, TP.HCM đang thiếu mục tiêu cụ thể.
"Thành phố đang thiếu đi mục tiêu cụ thể. Doanh nghiệp mong muốn thành phố có bộ tiêu chí và có kế hoạch hành động để triển khai thực hiện", ông Kỳ đánh giá.
Ông cũng cho rằng, cái cần nhất là sự kết nối giữa các doanh nghiệp. Nếu mỗi doanh nghiệp một mục tiêu, một định hướng và không kết nối với nhau thì rất khó làm nên chuyện. Cần kết nối hệ thống gồm lữ hành, lưu trú, vận chuyển và dịch vụ để tạo sự thống nhất.
"TP.HCM đang thiếu đi sản phẩm đặc thù, cần định hình được sản phẩm đặc thù để tạo nét riêng, thu hút du khách. Đồng thời, TP.HCM cũng cần một mục tiêu cụ thể cho hoạt động du lịch trong ba năm tới với nhiều giải pháp đồng bộ để ngành du lịch có thể sôi động trở lại như trước dịch.
Đó phải là sản phẩm lõi để từ đó phát triển thêm các sản phẩm nhánh. Cùng với đó, chọn một số sản phẩm có khả năng thúc đẩy kinh tế đêm", ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.
Đồng thời, kiến nghị chính quyền thành phố nghiên cứu xây dựng Ban chỉ đạo TP.HCM về du lịch với sự tham gia của nhiều cơ quan.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và đánh giá, khi các sở, ngành thành phố nói đã làm hết sức nhưng doanh nghiệp nói vẫn gặp khó, chứng tỏ sự nỗ lực đó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, chính quyền cần nỗ lực hơn nữa để thực sự là bạn đồng hành của doanh nghiệp theo đúng tinh thần mà chính quyền TP.HCM đã đề ra.
"Thành phố cần phải "khởi động lại, làm nóng hơn" chương trình cho vay kích cầu của thành phố với những cơ chế mới, phù hợp với bối cảnh, có sự chia sẻ với DN. Cạnh đó, phải tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho ngành du lịch… UBND TP.HCM cũng cần có quy chế phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp thành phố để doanh nghiệp gõ cửa thành phố khi nào cũng được", Bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý.