Ở tuổi 63, ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch Vietravel Holdings) vẫn nhuộm tóc mỗi tháng một lần. Nhưng 2 năm đại dịch, mỗi tháng ông Kỳ phải ra tiệm nhuộm tóc 2 lần.
1.700 nhân viên của Vietravel nói riêng và hàng triệu người làm du lịch Việt Nam nói chung, đều đang đứng trước nhiều thử thách có ý nghĩa sống còn.
Gần một năm trước vào tháng 11/2020, ông Kỳ đề xuất việc thay đổi mục tiêu từ “zero” sang “sống chung với Covid-19”, mở cửa du lịch ở Phú Quốc. Năm nay, ông tiếp tục là một trong số những người đầu tiên đề xuất khai thông du lịch ở Cần Giờ (TP.HCM).
- Cho tới gần đây, chúng ta nhắc nhiều đến “sống chung với Covid-19”. Còn ông, ông đã nghĩ đến nó từ gần một năm trước?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Tôi nhớ mình từng đề xuất việc mở cửa du lịch Phú Quốc vào hồi tháng 10/2020. Lúc đó tôi đề xuất như vậy vì muốn đón khách mùa Đông. Cũng có thông tin trên truyền thông là sẽ mở nhưng cuối cùng vẫn không được.
Trước đó, hồi tháng 4/2020, tôi đề ra chương trình “I am safe” (tôi an toàn). Tức là đưa ra những tiêu chuẩn, cách làm để mọi người cùng an toàn với hy vọng nối lại ngành du lịch. Nhưng sau đó không lâu, ngay vào hồi tháng 11 tôi đã nhận thấy cái “safe” đó cần thay đổi. An toàn lúc này là phải sống chung với Covid. Chỉ cần tăng tỷ lệ tiêm vắc xin, số ca mắc được chữa khỏi; giảm tỷ lệ tử vong và bệnh chuyển nặng thì Việt Nam an toàn.
- Những đề xuất có phần đi ngược lại suy nghĩ của số đông thời điểm đó, khi ông đưa ra có được lãnh đạo các địa phương lắng nghe?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang rất hoan nghênh thôi, họ nói sẽ nghiên cứu. Cái này là do tôi tiếp cận thực tế thấy như thế nào thì nói lên như vậy. Tôi chỉ nghĩ làm sao cho những ý kiến của mình hữu ích, giúp lãnh đạo đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Nhưng quyết định thế nào là ở phía cơ quan Nhà nước và mình phải vui vẻ chấp nhận. Ý kiến của tôi cũng chỉ là một luồng thông tin còn lãnh đạo họ sẽ phải nghe từ nhiều nguồn khác nhau.
- Vì sao ông lại nghĩ Phú Quốc nên là nơi đầu tiên mở cửa cửa cho du lịch?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Rõ ràng đó là một khu vực khá biệt lập, dân cư ít, cơ sở vật chất điều kiện rất ổn. Nó giống như một ốc đảo trên sa mạc vậy! Nếu chúng ta tập trung thì hoàn toàn có thể biến Phú Quốc thành “căn cứ địa” để bắt đầu cả một hành trình dài hồi phục lại toàn bộ ngành du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, cái mà tôi đề xuất là Phú Quốc nên khai thác khách nội địa trước chứ không phải chuyện mở cửa ra thì đã tập trung ngay vào khách quốc tế đâu.
Hiện nay Việt Nam đã tiêm đến hơn 20 triệu mũi 1, gần 10 triệu mũi thứ 2 rồi thì câu hỏi đặt ra là: anh tiêm chủng để làm gì? Có phải chúng ta tiêm vắc xin để lao động sản xuất sinh hoạt đi lại thuận lợi, tham gia vào mở cửa xã hội? Vậy thì cái mở cửa, cái an toàn đó là thế nào? Vì sao số người đã tiêm vắc xin kia vẫn còn phải ở nhà giống như những người chưa từng tiêm mũi nào? Nếu thế có phải đã mất đi ý nghĩa của tiêm chủng, gây lãng phí và làm cho nước mình mất cơ hội rồi không?
Tôi muốn nhấn mạnh rằng: khách nội địa mới là cứu cánh cho ngành du lịch Việt Nam trong tất cả cuộc khủng hoảng, giữ cho ngành không bị sụp đổ và có cơ hội hồi phục trở lại chứ không phải khách nước ngoài đâu.
Chúng ta phải dựa vào sức mình đi, tự mình cứu lấy mình trước đã!
- Ngoài Phú Quốc thì Cần Giờ - nơi có vị trí khá biệt lập so với TP.HCM - vừa mới đón khách du lịch là lực lượng tuyến đầu chống dịch. Và như ông vừa nói, thay vì nhấn mạnh khách quốc tế, lãnh đạo TP đang rất chú trọng khách nội địa.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Chính tôi là người đã nêu ra đề xuất đó khi họp cùng với UBND thành phố. Tôi nói: TP.HCM cũng đã có hơn 7 triệu người tiêm mũi 1, hơn 2 triệu người tiêm mũi 2. Vậy hãy cho họ đi du lịch đi vì chính họ cũng muốn đi lắm chứ.
Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh dịch bệnh như thế này, đi du lịch để làm gì? Câu hỏi thứ hai: tại sao anh đi làm, anh lại phải nghỉ ngơi? Du lịch trước hết là cho sức khỏe, giúp họ tái tạo lại năng lượng và sức lao động.
6 tháng sau tiêm chủng người dân rất an toàn. Và khi họ có thể đi du lịch trở lại thì mới giúp mở cửa lại hệ thống dịch vụ rồi kinh tế mới hồi phục được chứ!
Vậy thì chúng ta bắt người dân ở nhà 24/24 tốt hơn, hay là khi người ta an toàn rồi thì cho đi du lịch? Chúng ta cần chọn cái gì tốt nhất cho người dân chứ không phải chọn cái an toàn nhất cho người lãnh đạo.
Tôi đề nghị TP.HCM với tư cách là đầu tàu kinh tế của cả nước và đặc biệt là cụm trưởng cụm kinh tế Đông Nam bộ thì nên chủ động đứng ra để làm việc với 6 tỉnh xung quanh để thống nhất phương thức chống dịch, cùng mở cửa lại thị trường. Vì với cơ cấu kinh tế có tính chất liên vùng, TP.HCM không thể nào tự đứng ra mở cửa lại được.
Và trong lúc ngồi chờ chuyện đó, TP có ngay Cần Giờ để phát triển. Cần Giờ rất an toàn, 15 ngày qua chẳng có ca nhiễm nào. Cần Giờ trước nay cũng chưa được đầu tư nhiều thì lần này sẽ được quan tâm. Đó cũng là cơ hội cho địa phương.
Tới lúc mà an toàn, TP.HCM thống nhất với các tỉnh để khách du lịch đến nơi khác thì chúng ta cũng đã đón được một lượng khách nhất định đến Cần Giờ rồi. Nền kinh tế, đời sống dân sinh ở đó đã được hồi phục phần nào. Người dân có lợi, Nhà nước cũng đỡ phần nào gánh nặng. Bây giờ đỡ được ai hay người đó.
Tôi không rõ lãnh đạo TP đã tính đến phương án này hay chưa nhưng rõ ràng khi tôi nêu ra thì rất nhiều người bất ngờ.
- Với thái độ như vậy từ phía lãnh đạo địa phương, ông có đánh giá gì về triển vọng mở cửa “ốc đảo” Phú Quốc và Cần Giờ trong lần này?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Tôi cho rằng quyết tâm mở cửa trở lại của các cơ quan quản lý đang rất cao. Đó là điều thuận lợi. Nhưng muốn mở cửa phải có điều kiện cần và đủ. Chính sách từ Nhà nước mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là các hệ thống dịch vụ đáp ứng và thị trường điểm đến, thị trường điểm đi…
Tất nhiên, doanh nghiệp như chúng tôi rất muốn được nhanh chóng hoạt động, nhưng không có nghĩa là nước ta phải mở cửa bằng mọi giá mà mình phải làm hết sức cẩn thận.
Mặc dù hiện nay truyền thông đưa tin dồn dập là đến đầu tháng 10 (tức hơn 10 ngày nữa) thì Phú Quốc sẽ mở cửa đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin, nhưng rõ ràng đến bây giờ vẫn có rất nhiều vấn đề mà doanh nghiệp chưa được rõ.
Ví dụ ai được vào, ai chưa, hoặc nếu vào thì phải cách ly sau bao lâu mới được đi đến các địa điểm… Doanh nghiệp muốn đưa khách vào thì phải trải qua mấy bước, mỗi bước phải làm gì? Rồi nếu đưa thì mỗi lần được đưa bao nhiêu khách, kiểm soát số lượng ra sao?
Tiếp theo, chúng tôi cũng chưa rõ liệu nước ta có chấp nhận hệ thống y tế của các nước khác hay không? Xét nghiệm PCR, vắc xin của họ… thì nước mình có công nhận? Giữa các nước đang có hai hình thái: một là có đi có lại, hai là đơn phương công nhận. Y tế nước ta sẽ chấp nhận hình thái nào?
Để mở cửa Phú Quốc thì quan trọng nhất là phải chuẩn bị hệ thống y tế, thứ hai là xây dựng quy trình quy chuẩn, thứ ba là phải có đào tạo, hướng dẫn cho những người sẽ tiếp nhận khách về những quy chuẩn an toàn. Như vậy thì khi xảy ra tình huống khẩn cấp có F0 họ mới biết cách ứng phó.
Rồi yếu tố thứ 4 là độ phủ vắc xin. Phú Quốc hiện nay rất muốn mở cửa đón khách nhưng tỷ lệ phủ vắc xin còn thấp quá, mới chỉ hơn 35% mũi 1 và 5% mũi 2. Tôi cho là chúng ta không thể nào vội vàng được.
- Nhưng nếu không vội và tiếp tục đóng cửa du lịch thì chỉ trong vòng 6 tháng nữa, doanh nghiệp như các ông sẽ ra sao?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Sợ nhất là cứ tuyên bố rồi không thực hiện thôi! Giống như gần đây tôi cũng phát biểu ngay trong cuộc họp giữa doanh nhân TP.HCM với UBND TP rằng: Chống dịch như chống giặc, đánh trận Điện Biên Phủ, bộ đội ta kéo pháo vào rồi lại kéo ra có một lần. Lần này chống giặc Covid, doanh nghiệp cứ kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra đến lần này lần thứ 4. Chúng tôi sức cùng lực kiệt rồi đấy. Nếu lần này lại kéo pháo vào nữa là chúng tôi vào luôn, không ra được nữa đâu (cười).
Đã làm du lịch thì khó rồi. Vietravel hay các doanh nghiệp khác đều như nhau. Vấn đề là chúng tôi còn “ôm” cả hàng không nữa. Hai ông thiệt hại nặng nhất trong nền kinh tế thời dịch bệnh thì chúng tôi đều có hết, bảo sao không khó khăn?
Nhưng dù có mệt hơn nữa thì đã sao. Doanh nhân nếu muốn ngồi kêu than thì rất dễ. Nhưng doanh nhân không ai muốn chết cả. Họ đều muốn sống. Chỉ mong Nhà nước hãy là người kiến tạo, giúp cho họ có thể quay lại được cuộc chơi.
- Khoảng 6 tháng trước khi chúng ta nói chuyện với nhau, Vietravel đã ở trong tình cảnh phải thu mình hết sức để giữ nhiệt”. Xin hỏi thật ông, trong suốt khoảng thời gian đã qua, có lúc nào ông thấy mình được vui?
Nguyễn Quốc Kỳ: Nói thật với bạn, trước đây mỗi tháng tôi nhuộm tóc 1 lần. Bây giờ tăng gấp đôi. Nhiều hôm tôi nghĩ, người lao động không làm việc này có thể bỏ đi làm làm cái khác. Nhưng doanh nhân không bỏ sự nghiệp, bỏ doanh nghiệp của mình được. Bởi vì chữ nghiệp đó chính là cái nghiệp mà người ta đã chọn.
Tôi cũng như những doanh nhân khác: cũng đau đáu, trăn trở, vật lộn làm đủ mọi cách để giữ lại được doanh nghiệp. Còn những ai mà đã hoặc đang rời cuộc chơi thì hiểu rồi đấy. Tức là họ đã hết đường. Và để cái người đó có cơ hội quay lại thì khó lắm. Giống như bạn đẩy cái xe lên dốc rất vất vả. Nhưng nếu nó đã tuột xuống rồi bạn muốn đẩy lên nữa sẽ phải mệt gấp 4 lần lúc đầu. Không dễ để lên lại được đâu, vì lúc đó bạn đã cạn lực rồi.
- Chẳng phải doanh nghiệp vẫn còn có những gói hỗ trợ từ Chính phủ đấy ư?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Gói hỗ trợ là sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Nhà nước ta đối với người lao động nhưng mà… thủ tục nhiều quá.
Có những cái tưởng đơn giản nhưng lại không đơn giản chút nào. Ví dụ người thất nghiệp phải quay về địa phương nhận hỗ trợ. Địa phương lại yêu cầu họ lên cơ quan lấy xác nhận bản gốc, rồi photocopy... Trong khi rất đơn giản mà từ năm 2020 tôi đã đề xuất là Chính phủ chỉ cần thông qua doanh nghiệp, xác nhận với doanh nghiệp người đó đang thất nghiệp, lấy được số an sinh xã hội, số tài khoản ngân hàng và chuyển thẳng tiền hỗ trợ cho họ.
Sẽ có lao động tự do phải chấp nhận về địa phương. Còn lao động trong doanh nghiệp thì để doanh nghiệp lo, chính quyền lo làm gì?
Vietravel có 1.700 người, nhưng chỉ có hơn 100 người được cứu trợ. Cứ cho được 170 người thì mới chỉ chiếm có 10%. Vậy 90% người còn lại sống bằng gì? Nếu Nhà nước tin vào doanh nghiệp, đừng nghĩ họ là đối tượng để quản lý mà hãy xem là người đồng hành… thì có lẽ mọi chuyện đã khác.
- Gia đình ông phản ứng thế nào trước khó khăn mà ông đang đi qua?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Không phải chỉ mình tôi, kể cả CBNV của tôi đều lao đao chứ. Ai cũng có gia đình, ai cũng có bố mẹ anh chị em phải nuôi cho nên tôi nghĩ tất cả về kinh tế đều khó khăn hết. Nhưng vất vả của họ là vất vả mưu sinh, còn những người như chúng tôi là vất vả giữ doanh nghiệp.
Bỏ tiền túi ra cứu doanh nghiệp ư? Chuyện đó quá bình thường rồi. Cái điêu đứng của doanh nhân thì đều như nhau thôi vì mình sống trong một môi trường đó làm sao đi ra ngoài được. Ví dụ bạn lên một chuyến xe ô tô đang chạy mà nó bị bị mất điện thì toàn bộ bị ảnh hưởng hết chứ. Bạn có ánh sáng đèn điện để bật lên thì cũng chỉ sáng được một chút và cũng phải chia sẻ với những người xung quanh. Đó là tình người giữa người với người thôi.
- Nếu giả dụ sáng mai đây thức dậy, chẳng còn doanh nghiệp du lịch nào của Việt Nam bám trụ nổi. Ông nghĩ, điều gì sẽ xảy ra?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Cạnh tranh hiện nay là cạnh tranh điểm đến giữa các nước. Nếu chúng ta kiệt quệ thì cạnh tranh điểm đến ở Việt Nam chắc chắn thua rồi đó. Chúng ta sẽ lâm vào 2 tình huống: một là bị các nước xung quanh vượt mặt, hai là nền kinh tế du lịch của chúng ta bị thao túng.
Mà nếu du lịch bị thao túng thì rất nguy hiểm. Vì du lịch là kinh doanh thượng tầng dựa trên các hạ tầng xã hội, bao gồm: BĐS, nông nghiệp, công nghiệp, hạ tầng cơ sở, văn hóa, lịch sử… cái gì du lịch cũng dính dáng. Và nếu để thua ngay trên chính sân nhà thì những doanh nhân như chúng tôi sẽ rất đau!
Vấn đề lúc này là chỉ mong Nhà nước có cơ chế, chính sách phù hợp để giúp chúng tôi có thể sống sót được đến lúc có bình minh. Và chúng tôi cũng mong, cái gì Nhà nước đã ban hành thì thực hiện đến nơi đến chốn. Chỉ cần thế thôi là tốt lắm rồi. Còn thêm được cái gì quý cái đó.
- Ông mong đợi nhất chính sách gì? Liệu có phải là chuyện tặng cho mỗi người đi du lịch 2 triệu đồng – đề xuất từng gây tranh cãi mà ông đã đưa ra?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Cái tôi nói là dùng cơ chế chính hỗ trợ bằng thuế VAT cho các doanh nghiệp. Cụ thể, bạn đi du lịch 8 triệu thì phải nộp 800.000đ tiền thuế VAT. Doanh nghiệp thu hộ Nhà nước và nộp lại. Vậy bây giờ nếu hỗ trợ 2 triệu qua cơ chế VAT thì Nhà nước hỗ trợ bằng cách để doanh nghiệp trừ luôn cho người dân 800.000 đồng đó. Như vậy 2 triệu thì họ đi được khoảng 2 lần như vậy là hết.
Doanh nghiệp ghi thu, ghi chi rõ ràng minh bạch, hạch toán công khai và sẽ được giảm trừ khi nộp thuế. Cơ chế đó không bỏ đi đồng nào cả. Nhà nước cho cơ chế chứ đâu cho tiền. Và cái tiền cho bằng cơ chế đấy, Nhà nước có thể thu lại bất cứ lúc nào. 6 tháng sau yêu cầu nộp lại chẳng hạn.
- Ngoài đau đầu chuyện kinh doanh, lúc này ông có lo lắng điều gì khác hay không?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Tất cả lo lắng cũng chỉ vì kinh doanh thôi. Giữ được doanh nghiệp đó là chuyện số 1. Còn lại thì tất nhiên thì ai cũng mong có cuộc sống tốt hơn. Mong cho mình, cho gia đình và mong cho xã hội đều thoát ra khỏi dịch bệnh. Tôi cũng vậy thôi. Nhưng trước mắt vẫn là lo cho doanh nghiệp, cho ngành du lịch Việt nhiều nhất!