Ngày 20-2, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã nêu nhiều vấn đề cấp bách ở doanh nghiệp này, liên quan trực tiếp đến người lao động cũng như hoạt động của ngành đường sắt,
Theo ông Vũ Anh Minh, sau hơn 1 năm không có người đại diện pháp luật, vừa qua Tổng Công ty cũng đã hoàn thành công tác cán bộ. Khi công tác cán bộ đã được giải quyết xong thì phát sinh vướng mắc về dự toán ngân sách. Cụ thể, đến này VNR vẫn chưa được giao dự toán chi ngân sách để thực hiện công tác quán lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.
Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết ngành đường sắt đang đối mặt với nguy cơ dừng chạy tàu
Người đứng đầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá đây là khó khăn, vướng mắc lớn nhất của đơn vị, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động của toàn ngành đường sắt. Vướng mắc này theo ông Minh không phải do Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước mà do cơ chế, chính sách.
Về giao dự toán ngân sách, ông Minh cho biết, theo định kỳ hàng năm thì trước 31-12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao dự toán ngân sách bảo trì để tuần đường, gác chắn hoạt động bình thường, đảm bảo hoạt động đường sắt. Sau đó, VNR ký hợp đồng công ích với 20 công ty của VNR với tổng số 11.315 người lao động trong khối hạ tầng, đảm bảo tuần đường gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.059 km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Anh Minh, đến ngày 20-2, đơn vị vẫn chưa nhận được dự toán. Trước vướng mắc này, ông Minh cho biết Bộ GTVT đã báo cáo lên Thủ tướng với 3 văn bản liên tiếp. Tổng Công ty cũng báo cáo lên Bộ, kể cả báo cáo "vượt cấp" lên Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Ông Vũ Anh Minh kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành đường sắt
Vị lãnh đạo VNR cho biết thêm hiện đơn vị không còn trực thuộc Bộ GTVT mà chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên không còn phù hợp khi áp dụng Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước.
"Đến hôm nay Tổng Công ty vẫn chưa nhận được dự toán và trên 1 vạn con người không có tiền lương. Như thế chỉ có thể dừng tàu thôi. Nếu dừng tàu thì ảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất kinh doanh, cả an sinh, nhưng cho chạy tàu thì trái luật" - Chủ tịch VNR nêu rõ.
Trong bối cảnh này, ông Minh cho biết nhân lực vẫn phải làm việc trên tuyến đường sắt, việc đi tuần 1 ngày 6 lần trên toàn tuyến 3.059 km vẫn được thực hiện. "Dù vậy, khi tuần đường gác, chắn mà để xảy ra tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đó có thể bị khởi tố. Nên không lẽ lại dừng tàu?"- ông Minh bày tỏ.
Lãnh đạo VNR cho rằng những vướng mắc này nếu không được giải quyết thì buộc phải dừng chạy tàu vào đầu tháng 3 tới, trong khi việc dừng chạy tàu sẽ ảnh hưởng đến phục vụ hành khách, vận chuyển hàng hoá, ảnh hưởng đến người lao động. Ông Vũ Anh Minh nhấn mạnh đây là vấn đề cực kỳ cấp bách và kiến nghị Chính phủ, các bộ, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, xử lý.
Lắng nghe những vấn đề mà đại diện VNR nêu, ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đại diện Tổ công tác của Thủ tướng, cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT và VNR trong mọi trường hợp phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và giao thông đường sắt thông suốt.
Đối với các vướng mắc nêu trên, ông Nguyễn Cao Lục cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nắm được và sẽ tháo gỡ vấn đề này. "Thủ tướng rất quan tâm và giao Bộ GTVT và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem lại cơ quan phụ trách đường sắt, nếu cần thiết thì cho VNR quay trở lại Bộ để đảm bảo hiệu quả trong quan lý điều hành" - ông Nguyễn Cao Lục nhấn mạnh.