Ngày 26/4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Cả chủ tịch lẫn Tổng giám đốc của ngân hàng này đều thừa nhận năm 2018 kinh doanh khó khăn hơn, trong đó đáng kể là những quy định của NHNN về siết chặt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng làm cho tốc độ tăng trưởng của nhà băng này ở mức thấp nhất trong nhiều năm, bên cạnh việc VPBank chủ động giới hạn đà tăng trưởng để kiểm soát rủi ro hơn. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất chỉ đạt xấp xỉ 9.200 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch 10.000 tỷ đặt ra.
"Do một số yếu tố khách quan từ thị trường dẫn đến các kế hoạch dự báo, điều hành hoạt động khá bị động, nhu cầu vay vốn phát triển thị trường, các hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp bị chững lại trong 9 tháng đầu năm; các hoạt động của Fe Credit cũng khó khăn...nên đã ảnh hưởng tới lợi nhuận" - báo cáo của Hội đồng quản trị do ông Ngô Chí Dũng ký tên được trình bày dưới dạng slide tại đại hội cho biết.
Và mặc dù lợi nhuận chưa đạt chỉ tiêu nhưng điểm sáng đó là ngân hàng vẫn giữ được vị trí thứ 4 trong toàn hệ thống, doanh thu năm qua tăng tới hơn 40% - đạt mức cao kỷ lục và đang dẫn đầu hệ thống các ngân hàng tư nhân, các hệ số sinh lời ROA, ROE vẫn nằm trong top đầu.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc ngân hàng, trong năm 2018 ngân hàng phát triển dựa trên 4 trụ cột đó là tín dụng tiêu dùng (Fe Credit), khách hàng cá nhân, tín dụng tiểu thương (Comm credit), khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các phân khúc này tiếp tục tăng ổn định, đóng góp 68% vào tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng. Dự kiến trong năm 2019, những phân khúc này sẽ tiếp tục được ngân hàng chú trọng, bên cạnh việc siết chặt các chi phí và kỳ vọng NHNN sẽ mở rộng hơn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nên ngân hàng tin tưởng sẽ đạt lợi nhuận tối thiểu 9.500 tỷ đồng.
Trong số các hoạt động ở VPBank, thị trường và nhà đầu tư luôn bày tỏ sự quan tâm nhất đến tín dụng tiêu dùng của công ty con Fe Credit - "gà đẻ trứng vàng" cho ngân hàng suốt giai đoạn 2015 - 2017. Lãnh đạo ngân hàng thừa nhận rằng tín dụng tiêu dùng sau thời gian phát triển bùng nổ thì đến nay đã chững lại. "Cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng quá nóng trong vòng 7, 8 năm qua, vì vậy tất yếu thị trường sẽ tăng tốc chậm lại" - ông Ngô Chí Dũng trong lần đầu chia sẻ về tín dụng tiêu dùng trước đông đảo cổ đông đã nói như vậy hôm 26/4.
Song nhà băng này vẫn đặt niềm tin vào Fe Credit. Theo ông Nguyễn Đức Vinh, mô hình cho vay tiêu dùng vẫn tiếp tục là thế mạnh của ngân hàng, VPBank sẽ tiếp tục các biện pháp để củng cố, bảo vệ vị trí của Fe Credit trên thị trường. "Sự chậm lại của Fe Credit là sự chậm lại chung của thị trường nhưng VPBank vẫn tạo được sự tăng trưởng cao hơn so với các đối thủ, năm 2017 thị phần chỉ có 53% thì đến năm qua đã tăng lên 55%. Với gần 4.200 tỷ lợi nhuận thì tỷ trọng đóng góp của Fe Credit cho ngân hàng hợp nhất khoảng 44% - một con số không hề nhỏ, sẽ tiếp tục là mô hình kinh doanh hiệu quả của VPBank năm nay và các năm tiếp theo" - ông Vinh nói.
Tại đại hội, các cổ đông cũng chất vấn lãnh đạo VPBank rằng tình hình nợ xấu của ngân hàng hiện nay ra sao khi tập trung nhiều vào tín dụng tiêu dùng rủi ro cao; việc trích lập dự phòng rủi ro có đang thấp quá hay không, nhất là khi nhìn vào các ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tới hơn 100%?
Ông Nguyễn Đức Vinh trả lời rằng, dự phòng càng cao thì rủi ro càng cao. Hơn nữa khi nhìn vào dự phòng rủi ro thì cần nhìn vào con số tuyệt đối. Như VPBank, 100% dư nợ của Fe Credit hơn 53.000 tỷ là cho vay tín chấp, còn ngân hàng mẹ trong số hơn 83.000 tỷ thì có 30.000 tỷ là cho vay tín chấp qua bán lẻ, Commcredit và SMEs. Mô hình cho vay tín chấp có mô hình dự phòng khác với dự phòng của vay thế chấp. Và ông Vinh khẳng định, nói VPBank dự phòng thấp hơn một số ngân hàng (như trường hợp Vietcombank) thì ông đồng ý nhưng nhà đầu tư cũng cần nhìn nhận không chỉ dự phòng rủi ro nội bảng mà cần phải nhìn vào dự phòng ngoại bảng nữa thì tổng dự phòng cho các khoản nợ xấu cũng lên đến hơn 70%.
"Trong kinh doanh vấn đề quan trọng là phát hiện sớm rủi ro và để tránh các rủi ro đó. Chúng tôi không để VPBank cho vay hoàn toàn là tín chấp, nhưng với mỗi mô hình có hình thức quản lý rủi ro khác nhau" - ông nói.
Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng bổ sung rằng, đánh giá nợ xấu của VPBank với các ngân hàng truyền thống là khập khiễng. Nếu trên thị trường có thêm ngân hàng nữa hoạt động giống mô hình của VPBank thì sẽ khách quan hơn. Nhưng trong xã hội có sự phân công rõ ràng, có những ngân hàng làm khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân, nhưng như Fe Credit phục vụ khách hàng tới hàng triệu người, đó là những người không có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng - là bộ phận đông đảo trong xã hội, kèm theo đó tỷ lệ nợ xấu cao hơn và trích lập dự phòng cao hơn là chuyện bình thường, quan trọng là ngân hàng vẫn tuân thủ trích lập sớm hơn, đầy đủ hơn.
Và ông Dũng đề nghị "cổ đông cần đánh giá khách quan, công bằng hơn với ngân hàng. VPBank có nợ xấu cao hơn vì cho vay tiêu dùng. Nếu cho vay thế chấp thì nợ xấu của VPBank còn dưới 1%. Chúng ta đang phục vụ nhu cầu thực, đang góp phần lớn vào công cuộc đẩy lùi tín dụng đen của Chính phủ. VPBank cũng mong cơ quan quản lý đánh giá công bằng hơn với VPBank trong việc xem xét dự phòng nợ xấu, trích lập nợ xấu" - ông Dũng nói.
Khi đề cập đến dự thảo sửa đổi Thông tư 43 theo hướng siết chặt hơn tín dụng của công ty tài chính, lãnh đạo VPBank cho rằng hiện Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra quyết định cuối cùng, song với những đánh giá, phân tích, nhận định của các chuyên gia, các công ty phân tích, của công ty tài chính và hàng triệu người tiêu dùng đang được sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng, thì NHNN sẽ có những chỉnh sửa phù hợp để có lợi ích nhất cho người tiêu dùng và chủ trương đẩy lùi tín dụng đen của Chính phủ.
Cũng liên quan đến nội dung này, tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Quân đội hôm 27/4, lãnh đạo MB cũng nói với cổ đông rằng hi vọng NHNN sẽ có những chỉnh sửa hợp lý hơn so với dự thảo Thông tư 43 đang lấy ý kiến.